Bệnh viện Sản Nhi An Giang
I. Virus Zika
a. Đặc điểm chung
Năm 1947, virus Zika lần đầu tiên được phân lập từ máu của một con khỉ Rhesus bị nhiễm bệnh tại khu rừng Zika, gần hồ Victoria thuộc ngoại ô của Entebbe – thủ đô Uganda. Gần 5 năm sau, sự lây nhiễm virus Zika trên người mới lần đầu tiên được mô tả, bệnh nhân là một bé gái 10 tuổi người Nigeria. Khoảng 50 năm kể từ đó, chỉ có hơn 20 trường hợp lẻ tẻ mắc bệnh được ghi nhận cho đến khi một cơn bùng phát sốt Zika vào năm 2007 tại quần đảo Yap – phía tây thái bình dương, liên bang Micronesia. Từ đây, hàng trăm cuộc khảo sát nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm giải pháp ứng phó tình trạng lan rộng nhanh chóng của virus Zika. Từ đảo Yap, dịch bệnh đã lan về phía đông qua thái bình dương đến Polynesia, Pháp vào năm 2013 -2014 với gần 30,000 trường hợp, rồi đến quần đảo New Caledonia, đảo Phục sinh, cộng hòa Vanuatu trước khi bùng phát thành đại dịch ở các nước châu Mỹ, đặc biệt là Brazil với gần 1,500,000 trường hợp vào tháng 3/2016.
Virus Zika là một virus RNA (Arbovirus) thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae nên cũng có liên quan mật thiết với virus gây bệnh tây sông Nile, viêm não Nhật Bản, sốt vàng, viêm não St.Louis. Virus Zika lây truyền cho người qua vec tơ trung gian là muỗi Aedes (Aedes Aaegypti và Aedes albopictus). Muỗi này rất thích đốt người, hút máu ban ngày cao điểm vào sáng sớm và chiều tối. Sau khi hút máu người hay động vật có chứa virus Zika, thời gian cần thiết để cho virus phát triển trong muỗi là khoảng 10 ngày, sau đó muỗi có khả năng truyền virus cho người hoặc động vật khác khi hút máu và có thể truyền bệnh suốt đời. Một cá thể muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền virus cho các thế hệ muỗi con cháu.
b. Triệu chứng
Khoảng 80% các trường hợp nhiễm virus Zika là không có triệu chứng. Các biểu hiện thường rất mờ nhạt và xuất hiện đột ngột như sốt, đau khớp, nổi ban dạng dát – sần hay viêm kết mạc kéo dài trong vòng khoảng 1 tuần. Các trường hợp biểu hiện nặng thường rất hiếm, đó là lý do tại sao không có nhiều trường hợp nhập viện hay tử vong. Tuy nhiên, có hai bệnh cảnh với biểu hiện lâm sàng gần giống với Zika, đều do muỗi Aedes lây truyền cần phải phân biệt là sốt Dengue và sốt Chikungunya. Trong cơn bùng phát dịch tại Micronesia năm 2007, triệu chứng thường gặp nhất là nổi phát ban, sốt, đau khớp và viêm kết mạc. Các biểu hiện khác như đau đầu, đau cơ, đau sau hốc mắt, phù, nôn ói thì ít gặp hơn. Trong số 49 trường hợp chắc chắn nhiễm bệnh, không có bệnh nhân nào bị xuất huyết, tử vong hay nhập viện được báo cáo.
c. Hình thức lây truyền
d. Phương pháp chẩn đoán
Hiện nay có 2 phương pháp chính để chẩn đoán virus Zika. Cách thứ 1 là phát hiện trực tiếp virus hoặc các thành phần của virus Zika. RT – PCR, xét nghiệm miễn dịch và phân lập virus là 3 phương pháp được phát triển để lần lượt phát hiện ARN, protein NS1, virus Zika sống. Trong đó, RT – PCR là phương pháp phổ biến nhất bởi có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong khi phân lập virus được xem như tiêu chuẩn vàng nhưng đòi hỏi trang bị phòng lab đủ khả năng nuôi cấy tế bào. Cách thứ 2 để chẩn đoán là dựa trên kỹ thuật sắc ký miễn dịch (ELISA) để phát hiện kháng thể kháng virus Zika – IgM. Tuy nhiên thời điểm xét nghiệm, độ đặc hiệu, độ nhạy và nhất là sự xuất hiện phản ứng chéo với các dòng Flavivirus khác như virus Dengue type 1 – 4, virus sốt vàng, virus tây sông Nile, virus viêm não nhật bản, virus viêm não St.Louis là hạn chế chủ yếu của phương pháp này. Do đó việc đã phơi nhiễm trong quá khứ hay tiêm chủng các bệnh do Flavivirus khác cũng có thể gây tình trạng dương tính giả hoặc không giải thích được. Trong đợt bùng phát dịch tại Micronesia năm 2007, lúc đầu các nhà nghiên cứu nhận định tác nhân gây bệnh là virus Dengue dựa trên test nhanh IgM nhưng sau đó ủy ban sức khỏe đảo Yap nghi ngờ kết quả này và yêu cầu nhận được sự hỗ trợ từ CDC với các phương pháp chuyên sâu hơn đã xác dịnh mầm bệnh là do virus Zika.
Đối với những nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika, một kết quả RT – PCR dương tính khẳng định nhiễm virus Zika và không cần làm thêm xét nghiệm tìm kháng thể. Tuy nhiên, do sự suy giảm nồng độ virus trong máu theo thời gian và có thể không xác định chính xác ngày khởi phát bệnh nên kết quả RT – PCR âm tính không loại trừ nhiễm virus Zika. Vì vậy thử nghiệm huyết thanh tìm kháng thể IgM Zika và virus sốt xuất huyết cần được thực hiện nếu RT – PCR âm tính.
Đối với bệnh nhân trong đợt nhiễm cấp, huyết thanh, máu toàn phần và nước tiểu nên được lấy để làm xét nghiệm RT – PCR càng sớm càng tốt khi bắt đầu có biểu hiện triệu chứng. Ngược lại, kháng thể IgM chỉ xuất hiện từ ngày 4 – 7 sau khi khởi phát triệu chứng và kéo dài trong 12 tuần. Kháng thể trung hòa, bao gồm chủ yếu là các kháng thể IgG, phát hiện bởi kỹ thuật trung hòa mảnh bám (PRNTs), được hình thành ngay sau khi xuất hiện IgM và kéo dài lâu hơn. Kỹ thuật này có thể giúp đo nồng độ kháng thể trung hòa virus cụ thể và khuyến cáo cần được thực hiện để giúp loại trừ những trường hợp kết quả ELISA dương tính giả và khẳng định trong những trường hợp kết quả ELISA không rõ ràng, âm tính hay không thể kết luận.
e. Biến chứng tật đầu nhỏ
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã khẳng định vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não và đã đăng tải báo cáo trên Tạp chí khoa học New England Journal of Medicine.
Một đứa trẻ được xem mắc tật đầu nhỏ khi đường kính vòng đầu bé hơn -2SD so với mức trung bình theo tuổi và giới tính, chiếm tỉ lệ khoảng 2% trong dân số. Nếu đường kính vòng đầu bé hơn -3SD xem như mắc tật đầu nhỏ nặng, tỉ lệ dân số khoảng 0,1%. Tật đầu nhỏ có thể phát hiện ngay từ lúc mới sinh ( bẩm sinh) hay sau này khi lớn lên ( sau sanh hay mắc phải). Trẻ mắc tật đầu nhỏ sau sanh có kích thước đầu bình thường lúc sanh nhưng không phát triển hơn nữa khi cơ thể lớn lên và gây khó khăn cho các nhà lâm sàng trong việc theo dõi và điều trị.
Các bất thường về gen, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng, những hội chứng và bệnh lý tiền sản, các tổn thương trong lúc mang thai và sau sanh đều có thể gây nên tật đầu nhỏ bẩm sinh và mắc phải. Theo thống kê cho đến nay có đến 800 hội chứng và 900 bệnh lý di truyền được chứng minh có liên quan đến tật đầu nhỏ. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các yếu tố phơi nhiễm đến bà mẹ trong quá trình mang thai như bệnh Phenylketon niệu, các tác nhân gây quái thai, TORCH, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes… làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não và gây nên tật đầu nhỏ bẩm sinh. Đối với các trường hợp tật đầu nhỏ thứ phát, nguyên nhân cũng có thể do gen và các tác nhân kể trên, chỉ khác biệt nhau ở thời điểm biểu hiện bệnh. Tuy nhiên trong một nghiên cứu hồi cứu với 680 trường hợp mắc tật đầu nhỏ, chỉ có 60% trường hợp biết rõ nguyên nhân, trong đó 50% là do bất thường về gen, 45% là tổn thương chu sinh và 3% là do yếu tố sau sanh. Trước đợt bùng phát của virus Zika, nguyên nhân hàng đầu gây tật đầu nhỏ bẩm sinh là nhiễm TORCH, trong đó Cytomegalovirus là tác nhân chủ yếu, chiếm 20% tỉ lệ tật đầu nhỏ, và có giá trị mạnh nhất trong việc dự báo các khiếm khuyết phát triển của hệ thần kinh sau này. Tuy nhiên hiện nay, mối nguy từ tật đầu nhỏ do virus Zika còn đáng ngại hơn do sự hiểu biết về nguyên nhân, cơ chế gây bệnh, hậu quả lâu dài, công cụ chẩn đoán còn chưa được biết rõ. Trẻ mắc tật đầu nhỏ còn có thể có một số biểu hiện khác như vôi hóa nội sọ ( thường la quanh não thất), mất thính lực, tổn thương ở mắt, tràn dịch não thất, thiểu sản tiểu não và thể chai…
II. Tình hình Zika tại Việt Nam
Ngày 22/1/2016, trước tình hình lan rộng nhanh chóng của virus Zika, tính đến ngày 22/1/2016 trên thế giới đã có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lây truyền của virus Zika, Bộ Y tế đã có công văn đầu tiên, số 78/DP-DT, gửi Viện vệ sinh dịch tể, Viện Pasteur về tăng cường công tác giám sát bệnh do virus Zika.
Ngày 29/1/2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì buổi họp khẩn cấp tại Văn phòng EOC – Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để đưa ra các phương án phòng chống dịch Zika xâm nhập vào Việt Nam.
Ngày 30/1/2016, Bộ Y tế ra công điện chỉ đạo UBND các tỉnh và thành phố quyết tâm chỉ đạo để chủ động phòng chống dịch xâm nhập vào nước ta.
Ngày 5/2/2016, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị virus Zika.
Tính đến ngày 7/3/2017, đã có hơn 54 quốc gia và vũng lãnh thổ có lưu hành hay lây truyền virus Zika, đặc biệt có một số quốc gia gần sát biên giới Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Cam pu chia, Lào, Trung Quốc.
Ngày 22/3/2016, Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Úc đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Ngày 30/3/2016, Bộ Y Tế quyết định nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika lên mức 2 và thành lập 04 đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại các khu vực trên cả nước bao gồm miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Ngày 4/4/2016, Việt Nam phát hiện 02 trường hợp đầu tiên dương tính với virus Zika tại tỉnh Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 5/4/2016, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika.
Ngày 28/7/2016, trường hợp thứ 3 mắc Virus Zika được công bố tại tỉnh Phú Yên.
Ngày 8/10/2016, Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc Zika tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 15/10/2016, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm virus Zika, nâng tổng số người mắc từ trước đến nay tại Việt Nam lên 7 người.
Ngày 30/10/2016, phát hiện trường hợp đầu tiên trẻ có triệu chứng dị tật bẩm sinh mắc chứng đầu nhỏ có nhiều khả năng nghi liên quan đến vi rút Zika tại Việt Nam.
Đến tháng 2/2017, tại Việt Nam, Zika đã trở thành dịch bệnh lưu hành và ghi nhận 232 trường hợp mắc Zika.
III. Quy trình chẩn đoán và sàng lọc tại Việt Nam
Hiện nay, trên cả nước có 6 cơ sở có thể xét nghiệm một cách chính xác bệnh nhân có nhiễm virus Zika hay không là:
1. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
2. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
3. Viện Pasteur TP HCM
4. Viện Pasteur Nha Trang
5. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
6. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thực hiện xét nghiệm RT – PCR virus Zika để chẩn đoán xác định nhiễm virus Zika.
BS. Mai Tấn Đạt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika.
2. Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Zika.
3. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (2016), Quy trình thu dung và điều trị bệnh do virus Zika ở phụ nữ có thai tại các bệnh viện.
4. De Oliveira CS, da Costa Vasconcelos PF (2016), “ Microcephaly and Zika virus”, J Pediatr (Rio J), 92(2), pp. 103 -105.
5. Emily Hanzlik, Joseph Gigante (2017), “Microcephaly”, Children, 47(4), pp. 1-8.
6. Sl-Ki Lim et al (2017), “An Update on Zika Virus in Asia”, Infect Chemother, 49(2), pp. 91-100.
7. David A. Schirmer et al (2016), “pidemiology, Virology, and Pathogenesis of the Zika Virus: From Neglected Tropical Disease to a Focal Point of International Attention”, Semin Reprod Med.
8. Didier Musso et al(2016), “Zika Virus”, Clin Microbiol Rev, 29, pp. 487-524.
9. Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng.