Sặc sữa là một tai biến nghiêm trọng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời vì vậy cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần trang bị những kiến thức cần thiết để sơ cứu trẻ khi sặc sữa, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Sặc sữa là tình trạng trẻ hít sữa vào đường thở, sữa tràn vào khí quản, phế quản, thậm chí chui vào tận các phế nang, làm tắc các đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, làm trẻ thiếu oxy gây tím tái, ngưng thở.
1.Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sặc sữa?
• Trẻ đang bú hoặc đang nằm (sau ăn) bỗng ho sặc sụa, tím tái và lịm đi.
• Trẻ hốt hoảng, da xanh tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng.
• Có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng.
• Trường hợp nặng trẻ có thể ngừng thở.
2. Cách xử trí sặc sữa
Trong trường hợp phát hiện trẻ bị sặc sữa cần khẩn trương tìm cách làm cho sữa ra khỏi đường hô hấp. Cụ thể như sau:
• Vỗ lưng, ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải (tay thuận), dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống xuất sữa ra khỏi đường hô hấp của trẻ.
Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối 2 vú khoảng 1-2 cm. Lặp lại 5 – 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.
• Thông thoáng đường thở bằng hút mũi miệng : Trong khi thực hiện vỗ lưng – ấn ngực cần làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Dùng dụng cụ hút để hút mũi miệng cho trẻ, hút miệng trước, mũi sau. Nếu cấp cứu tại nhà, không có sẵn dụng cụ hút mũi miệng, người cấp cứu có thể dùng miệng để hút nhanh cho trẻ.
• Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở: có thể kết hợp các biện pháp trên với hà hơi thổi ngạt, cụ thể ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên.
• Khi trẻ đã hồi phục, vẫn đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để theo dõi tiếp.
3. Phòng ngừa sặc sữa
• Cho con bú đúng thời điểm
Không nên cho trẻ ăn khi đang khóc, đang ho, trẻ vừa ăn, vừa ngủ hoặc chơi đùa, miệng ngậm vú, sữa vẫn chảy nhưng không nuốt, khi thở mạnh có thể làm sữa chảy vào đường thở dễ bị sặc
Không đợi đến khi con quá đói mới cho bú vì khi đói bé sẽ bú nhanh nên nuốt không kịp dễ bị sặc sữa.
• Cho trẻ bú đúng tư thế
Khi cho trẻ bú mẹ nên bồng bé gọn trên tay, người bé nghiêng một góc khoảng từ 30-45 độ để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng sữa chảy xuống dạ dày.
Đối với bé bú bình bạn nên đặt phần đầu bé cao hơn so với thân dưới , nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn.
• Kiểm soát tốc độ bú
Khi sữa mẹ chảy về quá nhiều hãy dùng hai đầu ngón tay kẹp vào phần đầu ti để hãm lại tốc độ sữa. Nếu dùng bình sữa hãy chú ý chọn núm vú cao su có lỗ thông phù hợp với tháng tuổi của bé.
Quan sát trẻ trong khi bú, tốt nhất là thấy được trẻ nuốt sau khi mút sữa. Nếu thấy trẻ không muốn ăn, sữa còn trong miệng thì phải dừng cho bú, nếu cho ăn bằng thìa thì không đổ tiếp, không ép trẻ ăn
• Giúp bé ợ hơi
Sau khi bú xong nên bế trẻ nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ, vỗ lưng nhẹ để trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày, tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc.
Với những chia sẻ trên, bài viết hi vọng bổ sung những kiến thức cần thiết về xử trí và phòng ngừa sặc sữa cho gia đình trong hành trình chăm sóc những thiên thần bé bỏng của mình.
Ths Bs Lê Lý Hạ Liên
(Nguồn bệnh viện Từ Dũ)