XỬ TRÍ KHI TẮC TIA SỮA, HƯỚNG DẪN MASSAGE VÚ, VẮT VÀ BẢO QUẢN SỮA MẸ

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Khoa Hậu Phẫu-Hậu Sản, Bệnh viện Sản Nhi AG

A. VẮT VÀ LƯU TRỮ SỮA MẸ:

  1. Vắt sữa bằng tay:

 Khi nào mẹ cần vắt sữa?

  • Trẻ sinh non, chưa thể bú mẹ trực tiếp.
  • Trẻ hoặc mẹ bị bệnh, phải cách xa mẹ con.
  • Trẻ bú mẹ trực tiếp nhưng không tăng cân tốt.
  • Bà mẹ bị các vấn đề về núm vú và vú (viêm tắc tuyến sữa, nứt núm vú, đầu vú to/dị dạng…).
  • Muốn tăng lượng sữa mẹ.
  • Để duy trì lượng sữa mẹ lâu dài.
  • Hiến tặng sữa cho ngân hàng sữa mẹ.

Chuẩn bị dụng cụ:

  • Khăn sạch, mềm
  • Dụng cụ đựng sữa (ly hoặc bình ,…)
  • Lưu ý: dụng cụ đựng sữa phải được rửa sạch  và hấp tiệt khuẩn hoặc luộc trong nước sôi 15 phút

Kỹ thuật vắt sữa bằng tay:

  1. Rửa tay sạch bằng nước và xà phòng
  2. Mẹ ngồi tư thế thoải mái
  3. Dùng một khăn sạch nhúng nước ấm lau vùng núm vú và vùng ngực từ trong ra ngoài và phải đảm bảo lấy hết các mày sữa ra khỏi núm vú
  4. Chườm ấm 2 bầu vú và mát xa vú
  5. Vắt sữa:
  • Đặt ngón cái lên phía trên quầng vú và ngón trỏ phía dưới quầng vú. Các ngón còn lại đỡ vú.
  • Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng theo chiều trước sau.
  • Ấn vào rồi thả ra, đồng thời bóp nhẹ theo chiều trên xuống, lặp lại vài lần.
  • Xoay ngón tay, ấn vào vùng khác quanh vú để đảm bảo sữa trong tất cả ống dẫn sữa được ép ra.
  • Vắt một bên từ 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại, rồi chuyển sang vắt bên kia.
  • Vắt đi vắt lại mỗi bên cho tới khi cả hai bên đã hết sữa.

Lưu ý: Có thể kích thích sự xuống sữa bằng uống một cốc nước ấm hoặc một ly sữa ấm trước khi vắt sữa khoảng 10 phút, mát xa lưng bằng cách dùng đầu ngón tay cái của 2 bàn tay day dọc hai bên cột sống theo hướng từ trên xuống (hoặc dùng nắm tay).

  1. Lưu trữ sữa mẹ

Một số nguyên tắc cơ bản:

  • Nhiệt độ càng thấp, thời gian lưu sữa càng lâu.
  • Thường xuyên theo dõi nhiệt độ tủ lạnh.
  • Vị trí trữ sữa: Sát mặt sau tủ lạnh, không trữ ở cửa tủ.
  • Tránh trữ cùng thực phẩm tươi sống.
  • Hạn chế mở cửa tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ tủ.

Nhiệt độ trữ sữa:

  • Nhiệt độ phòng  ≤ 25 °C: Tốt nhất được 4 giờ.
  • Ngăn mát tủ lạnh ( ≤ 4°C): tối đa 4 ngày.
  • Ngăn đông tủ lạnh (≤ 18°C): tốt nhất trong vòng 6 tháng.

Một số lưu ý:

  • Nếu mỗi lần vắt sữa ít, lần vắt sau nếu muốn dồn chung thì sữa của lần vắt sau phải để vào  tủ lạnh cho nhiệt độ bằng nhau rồi mới dồn chung.
  • Nếu trữ đông, không nên đổ đầy bình/túi chứa mà chỉ đổ tối đa 75% dung tích.
  • Dùng bình thủy tinh hoặc bình nhựa, túi nhựa đảm bảo tiêu chuẩn (nhựa PP, không có BPA, vô khuẩn)và có nắp/ miệng kín.
  • Chỉ đổ vào bình/ túi trữ lượng sữa đủ cho một bữa bú để tránh lãng phí.
  • Ghi ngày tháng và giờ vắt .

B. MASSAGE VÚ:

  • Dùng các ngón tay massage, vuốt từ bầu vú tới núm vú
  • Chụm các ngón tay massage từ bầu vú tới núm vú
  • Chụm các ngón tay ấn từ bầu vú tới núm vú
  • Dùng ngón cái day xung quanh quầng vú
  • Dùng ngón trỏ và ngón cái vê  núm vú
  • Thực hiện mỗi  động tác khoảng 30 giây cho một bên vú và phải di chuyển bàn tay để massage khắp bầu vú

  1. XỬ TRÍ TẮC TIA SỮA:
  • Trước tiên, mẹ dùng một khăn ấm lau bầu vú và vùng núm vú, phải đảm bảo lấy hết các mày sữa đóng  ở đầu núm vú ra
  • Chườm ấm hai bầu vú
  • Massage bầu vú, dùng tay nắn nhe vắt sữa, nếu thấy sữa chảy ra  mà trẻ có thể bú được thì cho trẻ bú thường xuyên và lưu ý hỗ trợ mẹ cho trẻ ngậm bắt vú đúng. Nếu trẻ không bú được thì vắt bằng tay cho đến khi thấy tia sữa thông, lúc này có thể dùng máy hút sữa để lấy hết sữa ra. Có thể kết hợp massage vú trong khi trẻ bú hoặc  hút sữa
  • Nếu tắc tia sữa có cục co cứng thì massage bằng cách dùng 2 bàn tay ép vào bầu vú, vừa ép vừa day theo chuyển động tròn, lặp lại nhiều lần; đồng thời với chườm ấm và dùng tay vắt sữa nhẹ nhàng sẽ làm thông dần các vị trí sữa tạo khối cứng. Trường hợp này, mẹ phải hết sức kiên nhẫn vì mất nhiều thời gian để chườm ấm, massage và sữa ra rất chậm lúc đầu trong khi bầu vú thì căng cứng, đau, cảm giác không thoải mái. Vì vậy, có thể chườm khăn lạnh sau đó để giảm đau, giảm phù nề và giúp mẹ thư giãn, thoải mái hơn

Nếu đã thực hiện các phương pháp trên mà tình hình không cải thiện cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh để lâu ngày gây áp- xe tuyến vú càng phức tạp và nguy hiểm

Nguồn: Bệnh viện Từ Dũ

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •