CẤP CỨU VỠ NHÃN CẦU DO ĐỐT PHÁO
ĐÊM GIAO THỪA
Từ khi có Chỉ thị của Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo năm 1994, tai nạn chấn thương do pháo giảm hẳn vào dịp tết cổ truyền. Tuy nhiên, rải rác những trường hợp lén đốt pháo, theo đó, chấn thương, đặc biệt tại mắt, do pháo nổ vẫn còn. Bệnh viện Sản Nhi An Giang đã tiếp nhận trường hợp vỡ nhãn cầu do pháo nổ vào đêm đón giao thừa 2020.
Bé gái 9 tuổi, tạm trú phường Mỹ Thạnh, bị bạn đốt pháo ném trúng vào mắt bên trái, đau nhức chảy máu được đưa vào cấp cứu tại BV Sản Nhi An Giang. Tổn thương mắt trái: rách bờ tự do mi trên, nhãn cầu mềm, kiểm tra thị lực sáng tối không rõ, kết mạc xuất huyết, rách gần hết đường kính giác mạc, tiền phòng ngập máu, bán phần sau không soi được. Đã được xử trí cấp cứu: gây mê, rửa máu làm sạch tiền phòng, khâu giác mạc, khâu mi rách, kháng sinh, kháng viêm tại chỗ, toàn thân. Hậu phẫu ngày 6: thị lực (đếm ngón tay) 1m, vết khâu giác mạc kín, sạch, tiền phòng sâu trung bình, ngấn máu 0,5mm. Hậu phẫu ngày 9: mắt trái sẹo đục đường khâu giác mạc, thị lực còn 1/10.
Mắt trái bé H, hậu phẫu ngày thứ 9
Chấn thương mắt là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở trẻ nhỏ. Tổn thương do pháo nổ vào mắt gây tức vỡ nhãn cầu, dễ đưa đến mù hẳn. Trong trường hợp này, tổn thương rất nặng, nhưng được BS chuyên khoa Mắt xử trí kịp thời, đúng quy trình chuyên môn, nên đã cứu thị lực còn được 1/10 khi xuất viện. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi tái khám định kỳ để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng hậu phẫu : viêm mủ nội nhãn, viêm màng bồ đào…
Không đốt pháo sẽ không có tai nạn đáng tiếc do pháo nổ.
(Tin, ảnh do BS.CKI Nguyễn Thị Cẩm Quỳ cung cấp)