BS Trần Xuân Tuấn
– Vào trung tuần tháng 8-2020, Bệnh viện Sản nhi An Giang tiếp nhận người bệnh L.N.K, 12 tuổi, nặng 93kg, với lý do đau bụng vùng hố chậu phải (P) 4 ngày, người nhà tự mua thuốc tây về cho bé uống nhưng không giảm. Khi tiếp nhận bé K, bé đang trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt 38,5o, vẻ mặt nhiễm trùng, các y bác sĩ đã khẩn trương khám đánh giá, chỉ định các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn chuyên khoa, bệnh lý của bé nhanh chóng được xác định là viêm phúc mạc ruột thừa và được chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu ngay sau đó. Sau khi vào ổ bụng quan sát thấy: ruột thừa nằm ở hạ vị, bị viêm hoại tử vỡ xì dịch mủ + phân; ổ bụng nhiều dịch mủ màu chocolate lẫn giả mạc. Kíp mổ nhận định đây là một tình trạng nhiễm trùng ổ bụng nặng, đã tiến hành cắt bỏ ruột thừa, rửa lau ổ bụng, và đặt dẫn lưu ở vùng hạ vị.
– Sau phẫu thuật 1 ngày, bé bắt đầu trung tiện, đau nơi vết mổ ít, bụng mềm xẹp, không sốt. Xuất viện sau mổ 5 ngày, trong tình trạng: tỉnh táo, đại tiện (+), vết mổ khô, lành tốt, bụng không đau, mềm xẹp, đi lại bình thường. Qua trường hợp trên, ta thấy viêm ruột thừa là một bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và can thiệp ngoại khoa sớm.
1. Viêm ruột thừa là gì?
– Viêm ruột thừa là tình trạng viêm cấp tính ở ruột thừa nguyên nhân chủ yếu do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa như sỏi phân, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc, dị vật, khối u của ruột thừa hoặc manh tràng… Viêm ruột thừa là bệnh lý ngoại khoa thường gặp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ruột thừa viêm có thể bị vỡ, làm mủ lan tràn vào ổ bụng, khi đó được gọi là viêm phúc mạc ruột thừa. Tuy nhiên các dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh thường không rõ ràng, nhất là trong giai đoạn đầu của bệnh.
– Các triệu chứng thường gặp trong bệnh lý viêm ruột thừa điển hình, người nhà của trẻ cần biết như:
+ Đau bụng dưới bên phải (vùng hố chậu phải) hoặc đau bụng xuất phát quanh rốn sau đó chuyển xuống hố chậu phải, đau tăng lên khi ho và cử động, đau âm ỉ, liên tục, tăng dần. Sờ vùng bụng đau có thể cảm giác thành bụng co cứng.
+ Sốt, môi khô, lưỡi bẩn.
+ Chán ăn, buồn nôn, nôn ói, rối loạn đại tiện.
– Trong trường hợp của bé L.N.K do vào viện trễ (ngày thứ 4 của bệnh), ruột thừa đã vỡ xì dịch mủ gây viêm phúc mạc ổ bụng, đây là một biến chứng nguy hiểm dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và đe dọa tính mạng.
– Mặc dù vào viện với bệnh cảnh nhiễm trùng ổ bụng nặng nề nhưng bé K đã được thăm khám và chẩn đoán xác định bệnh lý sớm, công tác chuẩn bị tiền phẫu được thực hiện nhanh chóng, phẫu thuật kịp thời, giải quyết triệt để tình trạng nhiễm trùng ổ bụng nặng. Ngoài viêm phúc mạc ruột thừa, viêm ruột thừa cấp phát hiện trễ hay vào viện muộn có thể diễn tiến thành áp xe ruột thừa, đám quánh ruột thừa làm quá trình điều trị phức tạp, tốn kém, thời gian phục hồi sau mổ kéo dài.
2. Kết luận
– Viêm ruột thừa ở trẻ em có nhiều thể lâm sàng khác nhau, vị trí giải phẫu của ruột thừa cũng rất thay đổi, các triệu chứng dễ gây chẩn đoán nhầm với bệnh lý của dạ dày, ngoài ra do thành ruột thừa trẻ em thường mỏng, mạc nối lớn chưa phát triển dễ tiến triển nhanh đến viêm phúc mạc. Qua trường hợp trên, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý khi trẻ có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa cần được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa Ngoại Nhi, để loại trừ các bệnh cảnh cấp cứu ngoại khoa, bao gồm viêm ruột thừa. Không được tự điều trị tại nhà sẽ tăng nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ.
– Tại BV Sản nhi An Giang, chúng tôi đã thực hiện thành công rất nhiều trường hợp phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm cấp và có biến chứng. Phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi là phương pháp phẫu thuật an toàn và hiệu quả với tỉ lệ biến chứng thấp và thời gian nằm viện ngắn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Acheson J, Banerjee J. “Management of suspected appendicitis in children”. Arch Dis Child Educ Pract ED 2010;95:9-13.
2. Hung MH, Lin LH, Chen DF. “Clinical manifestations in children with ruptured appendicitis”. Pediatr Emerg Care 2012;28:433-435.
3. Nguyễn Thanh Liêm (2000). “Viêm ruột thừa cấp tính”. Phẫu thuật tiêu hóa trẻ em, Nhà xuất bản Y học, tr. 211-212.