BS Võ Hiền Nhân – Khoa Nội Nhi
1). Viêm màng não vi khuẩn là gì ?
Viêm màng não là tình trạng viêm ở màng nuôi, màng nhện và khoang dưới nhện
Viêm màng não vi khuẩn là tình trạng viêm màng não do tác nhân vi khuẩn
2). Nguyên nhân gây viêm màng não vi khuẩn ở trẻ em ?
Các tác nhân gây viêm màng vi khuẩn thường gặp ở trẻ em là: Phế cầu, Não mô cầu, Haemophilus influenzae type B, Liên cầu nhóm B và Listeria monocytogenes. Các tác nhân này chiếm trên 80% trường hợp viêm màng não vi khuẩn ở trẻ em.
Ở trẻ dưới 2 tháng tuổi tác nhân gây viêm màng não vi khuẩn thường gặp nhất là Liên cầu nhóm B
Ở trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi tác nhân gây viêm màng não vi khuẩn thường gặp nhất là Phế cầu và Não mô cầu
3). Viêm màng não vi khuẩn ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm vì:
Viêm màng não vi khuẩn là bệnh lý nhiễm khuẩn nặng ở hệ thần kinh trung ương, đòi hỏi phải được phát hiện sớm điều trị đúng và kịp thời, ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị phù hợp, viêm màng não vi khuẩn vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ, thậm chí tử vong.
Tỷ lệ tử vong chung của viêm màng não vi khuẩn trẻ em là 5% – 15%, nếu viêm màng não không được điều trị tỷ lệ tử vong là 100%.
Các biến chứng và di chứng thường gặp của viêm màng não vi khuẩn trẻ em bao gồm:
Nhiễm trùng huyết gây tổn thương đa cơ quan, sốc nhiễm khuẩn.
Tụ mủ dưới màng cứng, tụ dịch dưới màng cứng, xuất huyết não, nhồi máu não
Mất thính lực: gặp 20 -30% viêm màng não do phế cầu, 10% do não mô cầu, 5% do Haemophilus influenzae type B.
Động kinh.
Liệt dây thần kinh sọ.
Các khiếm khuyết trong quá trình phát triển tâm thần – vận động.
Chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ.
Não úng thủy, đái tháo nhạt, rối loạn chức năng hạ đồi.
4). Triệu chứng viêm màng não ở trẻ em là gì ?
– Ở trẻ sơ sinh và nhủ nhi: Biểu hiện viêm màng não ở lứa tuổi này thường không điển hình và thường bao gồm một nhóm dấu hiệu và triệu chứng:
Thân nhiệt không ổn định: Sốt hoặc hạ thân nhiệt.
Bé kém năng động, kém chú ý vào kích thích bên ngoài.
Bú kém, nôn ói.
Bứt rứt, quấy khóc vô cớ.
Li bì, yếu chi, giật mình.
Co giật.
Triệu chứng thần kinh: Ngủ gà, giảm trương lực cơ, thóp phồng, cổ gượng.
Triệu chứng hô hấp; Thở rên, phập phồng cánh mũi, thở nhanh, thở không đều, cơn ngưng thở.
Triệu chứng tinh mạch: nhịp tim nhanh, mạch nhẹ, da nổi bông.
– Ở trẻ lớn: thường biểu hiện lâm sàng điển hình với hai nhóm triệu chứng
Sốt nhiễm khuẩn: Trẻ thường sốt cao, đôi khi lạnh run, đau nhức cơ, vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc, môi khô, lưỡi dơ.
Hội chứng màng não: trẻ nhức đầu dữ dội, sợ ánh sáng, có dấu hiệu cổ gượng, Kernig, Brudzinski.
5). Khi nghi ngờ trẻ bị Viêm màng não ta cần phải làm gì ?
Khi nghi ngờ trẻ bị viêm màng não, thì ta phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất, nhằm làm giảm biến chứng và nguy cơ tử vong cho trẻ.
6) Phòng bệnh Viêm màng não cho trẻ như thế nào ?
Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch chủng ngừa Quốc gia (ngừa Haemophilus influenzae type B) và chủng ngừa phế cầu, não mô cầu là biện pháp tốt nhất đối với những tác nhân này
Vaccin Phế cầu tiêm được cho trẻ từ 2 tháng trẻ trở lên.
Vaccin Não mô cầu tiêm được cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
Nếu trẻ có tiếp xúc với người viêm màng não (đặc biệt là viêm màng não do Não mô cầu và Haemophilus influenzae type B) thì nên đứa trẻ đến cơ sở y tế sớm, để được tư vấn và điều trị kháng sinh dự phòng.
Cho trẻ ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng nhất là các vitamin và khoáng chất để cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh, đồng thời tăng sức đề kháng của cơ thể trẻ.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lớn hay những trẻ khác đang mắc bệnh cấp tính.
Ở những trẻ lớn đã có khả năng nhận thức về các hành vi, tập rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
Tài Liệu Tham Khảo
- Bộ y tế (2015), “Viêm màng não mủ”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Tr: 482- 488.
- Nguyễn An Nghĩa (2020), “Viêm màng não vi khuẩn”, Nhi khoa tập 2, Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, Tr. 272 – 291.
- Uptodate (2023), Bacterial meningitis in children older than one month: Clinical features and diagnosis
- Uptodate (2023), Bacterial meningitis in children older than one month: Treatment and prognosis