Vàng da sơ sinh là gì?
Vàng da là biểu hiện thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh. Vàng da, vàng mắt là do tích tụ chất gây vàng da, tên y học gọi là bilirubin, do tăng phá hủy hồng cầu phôi thai, do giảm chức năng của các men chuyển hóa hoặc do tăng chu trình sản xuất / hấp thu chất bilirubin ở ruột và gan. Trong một số trường hợp, lượng bilirubin trong máu tăng quá cao, tích tụ lên não, gây ngộ độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân), có thể gây tử vong hoặc di chứng tâm thần vận động về sau.
Hơn 60% trẻ sơ sinh khỏe mạnh có vàng da trong tuần đầu sau sinh. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy trên 84% trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai có vàng da.
Bilirubin toàn phần ở trẻ lớn và người lớn bình thường < 1.5 mg/dl ( 26 µmol/L), với bilirubin trực tiếp < 5%. Vàng da biểu hiện rõ khi lượng bilirubin toàn phần 5mg/dl (86 µmol/L). Nồng độ bilirubin toàn phần trong máu liên quan đến diễn tiến vàng da trên lâm sàng: vàng da xuất hiện ở mặt (4-8 mg/dl, 68-137 µmol/L), thân trên (5-12 mg/dl, 86- 205 µmol/L), thân dưới (8-16 mg/dl, 137-274 µmol/L), lòng bàn chân ( > 15 mg/dl, > 257 µmol/L)
Làm thế nào có thể nhận biết trẻ bị vàng da?
Hiện tượng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hàng ngày các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ dưới ánh sáng mặt trời. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sỹ để kiểm tra.
Phân biệt các nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Vàng da tăng Bilirubin gián tiếp:
– Tăng sản xuất bilirubin:
• Vàng da sinh lý
• Tán huyết: bất đồng nhóm máu ABO, Rh, bất thường màng hồng cầu hoặc men
• Đa hồng cầu
• Bướu máu
– Giảm gắn kết với bilirubin ở tế bào gan
• Vàng da sinh lý
• Sinh non
• Suy giáp bẩm sinh
• Vàng da sữa mẹ
• Thuốc
• Hội chứng Gilber và hội chứng Crigler Najar
Vàng da tăng Bilirubin trực tiếp
– Tắc nghẽn đường mật:
• Teo đường mật
• Nang ống mật chủ
• Hội chứng Allegie
– Khiếm khuyết quá trình tổng hợp hoặc vận chuyển acid mật
• Rối loạn quá trình tổng hợp acid mật
• PFIC-1, khiếm khuyết BESP, khiếm khuyết MDR-3
– Bệnh lý về chuyển hóa ở gan, hệ thống:
• Viêm gan tự miễn
• Bệnh về chuyển hóa ở gan: bệnh tyrosin máu, thiếu α1 antitrypsin, galactosemia
• Nhiễm trùng: TORCH, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tiết niệu
• Tổn thương gan cấp: thiếu máu, giảm oxy máu, toan
Cách phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý
Vàng da sinh lý: Xuất hiện 2 – 3 ngày sau sinh. Trẻ vàng da nhẹ ở mặt, ngực, bé vẫn khỏe, bú tốt, tăng cân tốt, tiêu phân vàng. Thường bệnh sẽ tự khỏi sau 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, 2 tuần đối với trẻ non tháng.
Vàng da bệnh lý: Xuất hiện sớm trong 24 giờ đầu sau sinh. Thời gian vàng da kéo dài hơn. Trẻ vàng da nhiều, tăng nhanh, lan xuống gối, chân, da có màu vàng chanh hoặc vàng cam. Trẻ thường không khỏe, bú ít, có thể có những triệu chứng thần kinh như khó đánh thức, bứt rứt, kích thích, nặng hơn có thể gồng ưỡn người, co giật. Một số trường hợp bé có kèm theo gan lách to, tiêu phân bạc màu.
Các phương pháp điều trị vàng da
– Chiếu đèn :
Chiếu đèn là phương pháp được sử dụng rộng rãi , an toàn và hiệu quả nhất để làm giảm nồng độ bilirubin gián tiếp trong máu và phòng ngừa vàng da nhân ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu sau sanh. Mục đích làm biến đổi bilirubin gián tiếp (không hòa tan trong nước) thành dạng đồng phân (tan trong nước) sau đó sẽ được bài tiết qua đường niệu và đường mật xuống phân. Khi chiếu đèn, trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo, ở trần, che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở thường xuyên để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng. Trong thời gian chiếu đèn trẻ vẫn được bú mẹ bình thường. Đối với những trẻ nhẹ cân, non tháng vàng da, tại khoa Sơ Sinh Bệnh viện Sản Nhi An Giang, các bé sẽ được áp dụng liệu pháp ánh sáng trong lúc được mẹ chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo, trẻ vẫn được bú sữa mẹ, không phải cách ly mẹ con, điều này rất tốt cho cả mẹ và bé.
Lưu ý: Việc phơi trẻ dưới nắng vào buổi sáng không giúp điều trị vàng da bệnh lý vì cường độ ánh sáng của nắng sớm quá yếu và trẻ cũng không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài để đạt được hiệu quả, tuy nhiên việc này có thể giúp người chăm sóc trẻ phát hiện sớm và theo dõi vàng da.
– Thay máu: Trường hợp bilirubin gián tiếp tăng quá cao có nguy cơ gây tổn thương não thì cần thay máu càng sớm càng tốt tránh tổn thương não thật sự xảy ra.
– Để điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý do tăng Bilirubin trực tiếp thường tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Phẫu thuật nếu trẻ bị bệnh lý teo đường mật hoặc giãn đường mật bẩm sinh.
Dự phòng và theo dõi vàng da sơ sinh
• Chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ. Nhờ đó tránh được sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con.
• Cho trẻ bú sữa non ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.
• Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc da của trẻ.
• Theo dõi các dấu hiệu bệnh nặng.
• Mang trẻ đến bác sỹ khám ngay khi thấy da trẻ có màu vàng.
Tài liệu tham khảo:
J Debra H. Pan, MD,* Yolanda Rivas, Jaundice: Newborn to age 2 months, Pediatrics in Review, Vol. 38 No. 11 November 2017
ThS Bs Lê Lý Hạ Liên