Người dịch: Bs. Nguyễn Thị Lan Vi
(Khoa Phụ – BV Sản Nhi An Giang)
Tổng quan
Phụ nữ mang thai thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao nhiễm COVID-19. Do đó, việc nghiên cứu các phương pháp điều trị và dự phòng cho các trường hợp mang thai dương tính với COVID-19 rất quan trọng. Mục đích của nghiên cứu này nhằm đo nồng độ 25(OH)D, vitamin B12 và kẽm trong huyết thanh ở phụ nữ mang thai dương tính với COVID-19 để đánh giá vai trò của các vi chất dinh dưỡng này trong điều trị và dự phòng. Có tổng cộng 44 phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 điều trị nội trú và ngoại trú được đưa vào nghiên cứu này. Mức 25(OH)D huyết thanh là 9,70 ± 59,14. Mức kẽm huyết thanh là 62,58 ± 2,63, và mức vitamin B12 huyết thanh là 295,55 ± 302,48. Tất cả các biến này đều thấp hơn đáng kể hơn giá trị ngưỡng chấp nhận (p < 0,001). Những giá trị thấp hơn mức bình thường này có thể đã góp phần gây ra sự thiếu hụt trong đáp ứng miễn dịch và làm cho những bệnh nhân này dễ bị nhiễm bệnh. Bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thời kỳ đại dịch có thể có lợi trong thời kỳ mang thai vì giúp phòng ngừa nhiễm bệnh.
Giới thiệu
Họ Coronavirus từ lâu đã được biết đến là nguồn lây phổ biến gây ra các bệnh như cảm thông thường, hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) và hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS). Vi-rút corona chủng mới 2019 (SARS-CoV-2) là một loại vi rút mới được phát hiện từ họ coronavirus, là nguồn lây nhiễm của đại dịch COVID-19[1]. Virus COVID-19 xâm nhập vào tế bào vật chủ và kích hoạt hàng loạt phản ứng miễn dịch, bao gồm sản xuất các tiền viêm cytokine, hoạt hóa tế bào T, tế bào T CD4 và CD8+ [2]. Các biến chứng nặng của bệnh dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính đã được cho là do sản xuất các yếu tố cytokine, còn được gọi là ‘cơn bão cytokine’ [3]. Kể từ khi bùng phát, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm hiểu biết cơ chế hoạt động của COVID-19 với hy vọng tìm ra phương pháp chữa trị và phòng ngừa. Tuy nhiên, vẫn còn những ẩn số, đặc biệt là về các yếu tố bảo vệ tiềm năng chống lại vi-rút.
Vitamin và khoáng chất, còn gọi là vi chất dinh dưỡng, là những yếu tố quan trọng giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và do đó được sử dụng rộng rãi như là chất bổ sung để bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút [4]. Kẽm, 25 hydroxyvitamin D (25(OH)D) và vitamin B12 thuộc họ vi chất dinh dưỡng này.
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu tham gia vào quá trình tăng sinh, biệt hóa, tổng hợp RNA và DNA, cấu trúc và ổn định màng tế bào [6]. Nhiều bằng chứng mạnh mẽ liên quan việc thiếu kẽm và một số bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như sốt rét, HIV, lao, sởi, và viêm phổi. Kẽm cũng tham gia vào quá trình điều chỉnh phản ứng tiền viêm bằng cách điều chỉnh các cytokine gây viêm và trong việc kiểm soát stress oxy hóa. Tương tự, 25(OH)D có tác dụng chống nhiễm trùng, kháng viêm, và điều hòa miễn dịch. Nó góp phần duy trì tính toàn vẹn của hàng rào màng tế bào, tăng cường hoạt động của miễn dịch thông qua đại thực bào và bạch cầu đơn nhân, và tế bào T [8]. Cuối cùng, vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước. Nó là một đồng yếu tố trong quá trình tổng hợp DNA và có tác dụng ức chế virus sao chép trong các tế bào vật chủ [9].
Mục đích của nghiên cứu này là đo nồng độ 25(OH)D, vitamin B12 và kẽm trong huyết thanh ở phụ nữ mang thai có nhiễm Virus COVID-19 để đánh giá vai trò của các vi chất dinh dưỡng này trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh cũng như đánh giá mối liên hệ giữa nồng độ vi chất dinh dưỡng trong máu và nhiễm virus.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu bệnh chứng này được thực hiện tại một bệnh viện tuyến cao từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Nghiên cứu đã được Ủy ban Đạo đức của tổ chức phê duyệt (2020.05.25) và được đăng ký trên ClinicalTrials.gov (NCT04407572). Có sự đồng ý bằng văn bản từ tất cả những người tham gia trước khi thực hiện nghiên cứu.
Dân số nghiên cứu
Tổng cộng có 44 phụ nữ mang thai dương tính với COVID-19 được đưa vào nghiên cứu. Phụ nữ mang thai nhiễm bệnh được khẳng định bằng xét nghiệm PCR dương tính với COVID-19, mang thai trên tám tuần và không nhận bất kỳ điều trị kháng sinh hoặc kháng vi-rút nào trong ba tháng qua hoặc không bổ sung bất kỳ 25(OH)D,vitamin B12 và kẽm trong thời kỳ mang thai được đưa vào nghiên cứu. Phụ nữ đã được chẩn đoán bệnh lí về thận, thấp khớp, đái tháo đường týp 1, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đã bị loại trừ. Những biến chứng của thai kỳ như chửa ngoài tử cung, mang thai ở sẹo mổ cũ, hoặc thai trứng cũng bị loại trừ.
Một bệnh sử chi tiết đã được thu thập. Tất cả bệnh nhân đều được khám sức khỏe tổng quát và khám thai với siêu âm và được chụp CT lồng ngực. Ngoài các xét nghiệm máu thường quy, nồng độ D-dimer và nồng độ ferritin cũng đã được đo lường. Tuổi thai tính theo kỳ kinh cuối. Nếu quên ngày kinh cuối, sử dụng chiều dài đầu mông (CRL) để tính tuổi thai.
Phân tích xét nghiệm
Vào ngày nhập viện, máu được lấy từ tĩnh mạch ngoại vi sử dụng một ống khô và một ống chứa axit etylenglicoltetraacetic (EDTA). Các ống được gửi đến phòng xét nghiệm trung tâm của bệnh viện để xác định mức 25(OH)D, kẽm và vitamin B12. Định lượng nồng độ 25(OH)D là bằng xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang cạnh tranh (CLIA) sử dụng LIAISON® 25 OH Vitamin D TOTAL Assay (DiaSorin S. p. A., Saluggia, Ý). Thiếu vitamin D được định nghĩa là nồng độ vitamin D trong huyết thanh dưới 20 ng/mL, thấp là 21-29 ng/mL, và đủ là 30-100 ng/mL theo Hướng dẫn Lâm sàng mới nhất. Mức cao hơn 30 ng/mL đề xuất cho nhóm riêng biệt, chẳng hạn như phụ nữ mang thai. Giá trị trung bình 19,9 ng/mL (SD: 0,948 ng/mL và khoảng tin cậy là 4,8%) là được quy định để đo 25(OH)D. Đối với cùng một thông số, độ chính xác trung bình là 19,9 ng/mL (SD: 1,23 ng / mL và khoảng tin cậy 6,2%) [10]. Sử dụng hệ thống xét nghiệm miễn dịch (©2020Beckman Coulter Inc., Brea, CA, USA) để định lượng mức vitamin B12 trong huyết thanh. Giá trị bình thường của vitamin B12 huyết thanh là 100-350 pmol/L với khoảng tin cậy 95% [11]. Đối với kẽm, sử dụng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (PerkinElmer® Inc., Waltham, MA, USA). Ngưỡng giới hạn thiếu kẽm là <8,7 μmol/L (buổi chiều, không nhịn ăn) và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không nhịn ăn (18-49 tuổi; WRA, <10,1 μmol/L (sáng) và <9,0 μmol/L (chiều))[12]. Tất cả các thuật toán đều tuân theo thực hành lâm sàng tốt nhất.
Phân tích thống kê
Sử dụng SPSS 23.0 (IBM Corp., Armonk, NY, USA) để phân tích dữ liệu. Phương pháp thống kê mô tả (giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, tần suất) và phối hợp với độ tin cậy 95% của các biến nghiên cứu đã được trình bày. One sample t-test đã được tiến hành để đánh giá sự khác biệt giữa các giá trị và mục đích nghiên cứu của chúng tôi liên quan đến mức B12, kẽm và 25(OH)D. Giá trị P <0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê.
Kết quả
Tổng cộng có 44 phụ nữ mang thai dương tính với COVID-19 được đưa vào nghiên cứu. Tuổi trung bình là 28,57 ± 7,77. Khi quá trình mang thai chia thành 3 tam cá nguyệt, người ta quan sát thấy tỷ lệ mắc bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi tăng khi tăng dần trong tam cá nguyệt: 8,8% (n = 5) trong tam cá nguyệt I, 27,2% (n = 12) trong tam cá nguyệt II, và 61,3% (n = 27) là trong tam cá nguyệt III. Số lần mang thai trung bình là 2,75 ± 1,74, và giá trị trung bình là 1,32 ± 1,37.
Tài liệu tham khảo
- Pinar Yalcin Bahat , Merve Aldikactioglu Talmac, University of Health Sciences,
Istanbul, TUR, Open Access Original Article, DOI: 10.7759/cureus.10609.