I. ĐẠI CƯƠNG:
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35 trở lên. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do UTCTC. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh UTCTC và 11 trường hợp tử vong. Một số lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh UTCTC cao bao gồm số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn thấp, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế do thiếu những chương trình tuyên truyền giáo dục.
Trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 530.232 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung được chẩn đoán, chiếm 8.8% các trường hợp ung thư ở phụ nữ, và khoảng 275.008 phụ nữ (51.9%) chết vì ung thư cổ tử cung [1]. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng trên 5.000 trường hợp mắc mới và trên 2.000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung [2].
Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt bệnh thường gặp ở phụ nữ 35 – 40 tuổi trở đi. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ lứa tuổi 15 – 44 [2]. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của một người phụ nữ với nhiều thiên chức lớn lao: làm vợ, làm mẹ, là người chăm sóc gia đình và hơn thế nữa, ở độ tuổi này phụ nữ cũng đồng thời đã tạo dựng được sự nghiệp của mình.
II. NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ CTC THƯỜNG GẶP :
Nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) được xác định là nguyên nhân cần thiết gây UTCTC.
Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC như: phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người; dùng thuốc tránh thai kéo dài (hơn 10 năm); sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)…
HPV là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
III. CÁC DẤU HIỆU CẢNH BÁO
Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kỳ kinh nguyệt. Nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân. Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn.
IV. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SƠM UTCTC
Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, căn bệnh này có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn UTCTC lại rất khó chữa. Kể từ khi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (xét nghiệm tế bào học cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm Pap) ra đời và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng thì tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm một cách đáng kể [3].
Hiện nay bệnh viện Sản Nhi An Giang đã thực hiện được các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm các tổn thương tiền UTCTC bao gồm :
– Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear cổ điển trung bình 1 năm/ lần và Pap nhúng dịch 2 năm/ lần). Trong đó Pap nhúng dịch có độ chính xác cao hơn.
– Quan sát cổ tử cung với axit axetic (VIA) / Lugol (VILI)
– Xét nghiệm HPV nguy cơ cao type 16 và 18
=> Các trường hợp sàng lọc có kết quả nghi ngờ được chỉ định soi cổ tử cung
V. MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐI KHÁM PHỤ KHOA
Ði khám phụ khoa ðịnh kỳ là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe sinh sản và khả nãng làm mẹ của nữ giới. Ðây là một quá trình phức tạp và cần có kết quả chính xác cao, vì thế trước khi đi khám phụ khoa các bạn cần nhớ một số điều sau:
+ Vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, không dùng các dung dịch vệ sinh phụ nữ, để đảm bảo mùi nước và hóa chất không làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.
+ Không thụt rửa sâu âm ðạo trong 24 giờ trước khi đi khám phụ khoa để đảm bảo việc xét nghiệm dịch âm đạo cho kết quả chính xác nhất.
+ Nếu vùng kín xuất hiện mụn rộp, vết lở loét thì nên giữ nguyên, không bôi thuốc hay dùng tay nặn vùng bị mụn và viêm nhiễm.
+ Tránh quan hệ tình dục 2 đến 3 ngày trước khi đi khám bệnh phụ khoa, vì tinh dịch có thể làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.
+ Không tùy tiện sử dụng các thuốc đặt hay ngâm âm đạo.
+ Không đi khám phụ khoa trong những ngày kinh nguyệt và thời điểm đi khám bệnh phụ khoa tốt nhất là sau khi dứt kinh là 3 ngày.
VI. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG BỆNH :
Các tổn thương ở cổ tử cung ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ, nên phòng bệnh có một vai trò quan trọng.
– Tổn thương lành tính thường do nhiễm trùng, sinh đẻ nhiều gây ra vì vậy cần giải thích tầm quan trọng của vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh giao hợp, khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần và tầm soát UTCTC cho phụ nữ đã có giao hợp từ 21- 65 tuổi
– Tiêm ngừa dự phòng UTCTC cho các bé gái ở lứa tuổi từ 9- 25 tuổi
– Cần giải thích cho người phụ nữ hiểu các tổn thương lành tính cổ tử cung dễ phát hiện, điều trị đơn giản và có hiệu quả để tạo cho họ có ý thức khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện sớm các tổn thương, có kế hoạch điều trị và theo dõi.
– Khi có tổn thương ở cổ tử cung dù là lành tính cũng nên điều trị dứt điểm, không để xảy ra các tái tạo bất thường./.
Tài liệu tham khảo :
Nguồn BV Từ Dũ
Hướng dẫn chuẩn quốc gia năm 2016
ThS. BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ