U MÁU Ở TRẺ EM

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

BS. Trần Xuân Tuấn

1. Bệnh lý U máu ở trẻ em là gì?

– U máu hay bướu máu (hemangioma) là sự tăng sinh nội mô mạch máu có thể xuất hiện ngay sau sanh nhưng hầu hết xuất hiện trong vài tuần vài tháng sau sanh, biểu hiện bằng một mảng màu xanh nhạt hay vết bầm thay đổi từ nhỏ như nốt ruồi son dần lan rộng, đậm lên dần và có thể phát triển gồ lên.

– U máu phát triển nhanh chóng trong 3-6 tháng đầu đời và đạt kích thước tối đa trong khoảng 6-12 tháng tuổi, có thể phát triển rất nhanh hay chậm tùy theo từng vị trí. Thường gặp ở vùng đầu mặt cổ, sau đó là thân mình và kế đến là các chi.

– Phần lớn U máu là lành tính, trẻ có u máu vẫn phát triển bình thường. Giai đoạn thoái triển của u máu ở trẻ bắt đầu lúc khoảng 18 tháng tuổi và quá trình thoái triển có khi kéo dài tới 7-10 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình diễn tiến có thể xảy ra các biến chứng như loét, nhiễm trùng tại chỗ, chảy máu hoặc để lại di chứng dãn da, dãn mạch, phì đại mô xơ…

– Ngoài ra, u máu có thể gây ảnh hưởng chức năng cơ quan tùy thuộc vị trí u như ở thanh quản gây khó thở, tắc nghẽn đường thở, u ở mi mắt gây che lấp tầm nhìn, ảnh hưởng thị lực, ở lưỡi gây khó ăn uống, cản trở đường tiêu hóa, tắc nghẽn ống tai ngoài.

– Do thường xuất hiện tại vùng đầu mặt cổ nên có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của trẻ, phụ huynh cần được tư vấn rõ, hiểu kĩ về quá trình bệnh lý nhằm động viên tránh tạo mặc cảm cho trẻ và chăm sóc trẻ một cách tốt nhất tránh các biến chứng có thể xảy ra.

2. Dấu hiệu thoái triển của u máu ở trẻ em

– Thương tổn nhạt màu dần, sau đó đốm màu trắng xám bắt đầu hình thành ở giữa thương tổn lan dần ra ngoại biên.

– Khối u máu giảm căng, giảm kích thước.

3. Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng

– Chẩn đoán u máu thường dựa vào lâm sàng, những vết bớt nhỏ có thể lan rộng dần, với các hình thái chính sau đây:

+ U máu hình quả dâu tây: là hình thái thường gặp nhất, thường xuất hiện ở đầu và cổ, 90% xuất hiện ngay sau sinh.

+ Mảng cá hồi (salmon patch): mảng hồng, thường xuất hiện ở cổ gáy, có trong khoảng 50% các U máu ở trẻ sơ sinh.

+ Vết rượu vang đỏ: khi sinh ra đã có, phẳng, màu đỏ-hồng.

– Siêu âm được xem là phương pháp hiệu quả kinh tế vừa không xâm lấn để hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá u máu. Siêu âm cũng có giá trị trong việc đặt kế hoạch điều

UMAUOTE

4. Chẩn đoán phân biệt

– U hạt sinh mủ (botriomycome hoặc pyogenic granuloma).

– U nguyên bào mạch (angioblastoma hay tufted angioma).

– U mạch nội mô dạng kaposi (kaposiforme hemangioendothelioma).

– Với các u ác tính: Sarcoma cơ vân (rhabdomyosarcoma), sarcoma sợi (fibrosarcoma).

– U quanh mạch máu (hemangiopericytoma).

5. Các phương pháp điều trị

Tùy theo loại u, vị trí, tốc độ phát triển của u máu, độ tuổi trẻ mà bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định điều trị với một trong những phương pháp sau:

– Không cần can thiệp, theo dỏi tiến triển bệnh: đa số các trường hợp u máu ở trẻ dưới 5 tuổi sẽ thoái triển dần và đến 7-10 năm hầu như hết hẳn và không cần thiết phải can thiệp. Theo dõi định kỳ đánh giá sự thay đổi tích chất và kích thước của u máu.

– Laser: là một trong những phương pháp hiện đại điều trị u máu trẻ em, cho kết quả thẩm mỹ cao, không để lại sẹo nếu chăm sóc đúng cách.

– Can thiệp tắc mạch phối hợp với phẫu thuật khi u máu to chèn ép cơ quan, nguy hiểm tính mạng hoặc dễ chảy máu, gây rối loạn đông máu.

– Propranolol: gây ức chế sinh mạch và gây chết tế bào nội mô theo chương trình, giảm đáng kể di chứng dãn mạch, dãn da, phì đại mô xơ khi u máu đi vào giai đoạn thoái hóa, propranolol có gây phản ứng không mong muốn nhưng không nghiêm trọng (7.8%)

– Khác: dùng thuốc Corticosteroid khi có chỉ định của bác sĩ, Interferon α-2a…

6. Các trường hợp u máu cần điều trị ngay

– Tổn thương ảnh hướng đến chức năng sinh lý bình thường (ví dụ: đường thở, thính lực, thị lực, đường tiêu hóa).

– Suy tim sung huyết cung lượng cao.

– Xuất huyết, loét hoặc nhiễm trùng tái đi tái lại.

– Tổn thương phát triển kích thước quá nhanh làm biến dạng mặt.

7. Theo dõi u máu như thế nào?

– Người nhà nên đưa trẻ đến khám khi phát hiện trẻ có khối u máu, tại Khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Sản Nhi An Giang. Trẻ sẽ được khám đánh giá toàn diện về bệnh lý u máu, người nhà trẻ sẽ nhận được sự tư vấn theo dõi u máu của trẻ một cách cụ thể.

– Tái khám u máu theo lịch hẹn của bác sĩ. Có thể khám sớm hơn ngày hẹn nếu thấy u lớn nhanh bất thường, loét, chảy máu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bruckner A.L., Frieden I.J. (2003), “Hemangiomas of infancy”, J Am Acad Dermatol , 48(8), pp. 477-493.
2.Phạm Thụy Diễm (2019), Đánh giá kết quả điều trị U máu trẻ em bằng propranolol, Khoa Phỏng-Tạo Hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.Mulliken J.B., Glowacki J. (1982), “Hemangiomas and vascular malformations in infants and children: a classification based on endothelial characteristics”, Plast Reconstr Surg, 69(3), pp. 412–422.
4.Richter G.T., Friedman A.B. (2012), “Hemangiomas and vascular malformations: current theory and management”, Int J Pediatr, 2012: 645678.

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •