TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN TRẺ EM

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

BS. Trần Xuân Tuấn

1. Lâm sàng và chẩn đoán thoát vị bẹn ở trẻ em

1.1. Thoát vị bẹn không nghẽn:

  Trẻ có khối phồng vùng bẹn căng lên từng đợt thường được quan sát rõ nhất khi có tăng áp lực trong ổ bụng như lúc trẻ khóc, chạy nhảy hay đang căng thẳng, khối phồng tự mất khi trẻ nằm yên, nghỉ ngơi và không gây đau. Những trường hợp chưa rõ ràng, lúc ở nhà phụ huynh nên chụp hình khi nghi ngờ khối thoát vị bẹn xuất hiện và tái khám kiểm tra. Siêu âm bẹn-bìu rất hữu ích để hỗ trợ chẩn đoán, khảo sát được cả vùng bẹn đối bên.

1.2. Thoát vị bẹn nghẽn:

  có thể có tiền sử thoát vị bẹn, đến khám vì quấy khóc, bỏ bú, nôn ói. Vùng bẹn- bìu có khối phồng căng chắc, đau, không di động được. Nếu trẻ đến khám trong giai đoạn muộn có thể có dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử đoạn ruột kẹt trong túi thoát vị.

1.3. Thăm khám trẻ trong bệnh lý thoát vị bẹn:

  Trẻ nằm ngữa trên bàn khám, cần được bộc lộ hoàn toàn vùng bụng, bẹn, bìu.

Quan sát tìm khối phồng vùng bẹn hoặc sự bất đối xứng của vùng bẹn 2 bên, cần phân biệt khối phồng vùng bẹn thật sự với tinh hoàn co rút.

  Nếu không tìm thấy khối vùng bẹn, trẻ nhỏ tìm cách thử để chúng quấy khóc làm khối thoát vị xuất hiện, trẻ lớn yêu cầu kết hợp động tác: rặn, ho, nhảy tại chỗ…

1.4. Chẩn đoán phân biệt thoát vị bẹn với các bệnh lý:

– Hạch bẹn to, viêm: ấn đau, sưng nề, đỏ da tại chỗ

– Tinh hoàn không xuống bìu: không sờ thấy tinh hoàn trong bìu

– U nang thừng tinh: tròn, nắn không nhỏ lại, xuất hiện liên tục không có biểu hiện mất khi nghỉ ngơi

– Ung thư tinh hoàn: tinh hoàn sưng to, sờ thấy khối u ở tinh hoàn

– Viêm tinh hoàn: bìu căng to, đỏ da, sờ tinh hoàn căng cứng và đau, có thể kèm sốt

– Dãn tĩnh mạch thừng tinh: sờ cảm giác như búi giun, nghiệm pháp Curling (+)

2. Điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em

Thoát vị bẹn ở trẻ em không thể tự khỏi mà phải điều trị bằng phẫu thuật (không cần phải đặt tấm lưới tổng hợp như ở người lớn). Các bậc phụ huynh cần quan sát thật kỹ những dấu hiệu bất thường ở trẻ, không được tự điều trị tại nhà hoặc đợi trẻ tự khỏi, bệnh tiến triển nặng sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị và gây ra những tổn thương khó phục hồi

Thoát vị bẹn có thể xảy ra 1 bên hoặc 2 bên. Những trường hợp đã được phẫu thuật điều trị 1 bên nhưng bên còn lại vẫn có khả năng xuất hiện thoát vị bẹn trong tương lai, nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại ống phúc tinh mạc đối với bé trai (hay ống Nuck đối với bé gái) ở cả 2 bên. Vì thế, tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có tư vấn về việc phẫu thuật 1 bên hoặc cả 2 bên.

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi với trệu chứng thoát vị bẹn chưa nghẹt: băng ép vùng bẹn, đánh giá lại tình trạng tự bít của ống phúc tinh mạc sau 6 tháng, tuy nhiên biện pháp này trên thực tế khó thực hiện. Đồng thời điều trị các nguyên nhân là tăng áp lực ổ bụng: ho, táo bón thường xuyên, hẹp bao quy đầu…

Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi: nếu trẻ đến sớm trước 6 giờ từ lúc bắt đầu có triệu chứng đau và chưa có biểu hiện tắc ruột được chỉ định tiền mê, đẩy khối thoát vị lên và băng ép.

* Chỉ định phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ em:

Đối với Thoát vị bẹn nghẽn:

– Trường hợp thoát vị bẹn nghẽn đến sớm 1- 3 giờ đầu có thể cho làm nghiệm pháp đẩy khối thoát vị tại phòng mổ, nếu thất bại phải chuyển phẫu thuật cấp cứu.

– Trong trường hợp đầy khối thoát vị vào ổ bụng thành công, trẻ có tổng trạng tốt, bác sĩ sẽ tư vấn theo dỏi tình trạng khối thoát vị, tình trạng sưng nề tại chỗ và phẫu thuật chương trình sau đó.

Đối với Thoát vị bẹn không nghẽn

– Trẻ trên 6 tháng thoát vị bẹn không nghẽn có thể phẫu thuật sớm, người nhà bệnh nhi được lựa chọn phẫu thuật dịch vụ (trong ngày) hoặc phẫu thuật theo lịch chương trình….

3. Sự chuẩn bị khi tiến hành phẫu thuật chương trình thoát vị bẹn cho trẻ

Thời điểm phẫu thuật: nên tiến hành phẫu thuật thích hợp sau khi có chỉ định phẫu thuật thoát vị bẹn.

Trẻ không được ăn thức ăn trong 6-8 giờ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo cho dạ dày rỗng khi gây mê, giảm nguy cơ bị trào ngược (hít phải dịch dạ dày) trong khi gây mê.

Có thể cho trẻ uống sữa công thức trước mổ 6 giờ hoặc nước trắng pha đường, sữa mẹ trước mổ 4 giờ.

4. Sau khi phẫu thuật

Sau phẫu thuật khoảng 2 giờ, trẻ có thể được uống sữa hoặc ăn uống nhẹ, tuy nhiên vẫn cần phải xin ý kiến trực tiếp của nhân viên y tế. Thông thường, bé sẽ trở lại như bình thường vào buổi tối sau khi phẫu thuật hoặc sáng hôm sau.

Đối với những trường hợp thoát vị nghẽn có biến chứng phải cắt nối ruột, trẻ sẽ được nuôi ăn qua tĩnh mạch cho đến khi được chỉ định tự ăn uống lại qua đánh giá của bác sĩ điều trị.

Chăm sóc sau phẫu thuật được các điều dưỡng chuyên gia trực tiếp chăm sóc…

Theo dỏi sau phẫu thuật

* Những dấu hiệu bất thường sau mổ cần lưu ý và xin ý kiến ngay của bác sĩ:

– Trẻ sốt

– Sưng to, tấy đỏ tại vị trí vết mổ

– Chảy máu hoặc dịch từ vết mổ

– Đau ngày càng tăng

* Tái khám sau xuất viện theo lịch hẹn, Thân nhân mang theo giấy ra viện, toa thuốc đã được cấp. Ngoài ra cần khám lại khi phát hiện tình trạng:

– Tình trạng phình to vùng bẹn bìu chưa được cải thiện

– Xuất hiện khối phồng bẹn bên đối diện

– Vết mổ rỉ dịch, rỉ máu, không lành vết mổ

Địa chỉ liên hệ để được tư vấn: Phòng phám Ngoại Nhi , Bệnh viện Sản Nhi An Giang.

Tài liệu tham khảo:

1. TRƯƠNG NGUYỄN UY LINH và cs (2018), “THOÁT VỊ BẸN”, NGOẠI NHI LÂM SÀNG, Nhà xuất bản Y học, tr. 203-215.

2. BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2 (2018),“PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ ỐNG BẸN”, HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ NGOẠI NHI, tr 240-246

3. American Academy of Pediatrics Section on Surgery, American Pediatric Surgical Association & American College of Surgeons (Copyright © 2019) “Inguinal Hernia in Infants & Children”,
www.healthychildren.org

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •