1. Tinh hoàn ẩn là gì?
Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không xuống bìu, nằm trong ổ bụng hay trên đường đi của ống bẹn. Tình trạng tinh hoàn ẩn khá phổ biến, ở trẻ sinh non chiếm 20-30%, đủ tháng 3-5%. Nó xuống bìu tự nhiên từ khoảng 3-9 tháng tuổi, đến khi một tuổi chỉ còn 1%. Nếu tinh hoàn của trẻ không di chuyển xuống bìu sau sanh 6 tháng, bác sĩ có thể phải chỉ định điều trị.
Hình 1. Các vị trí có thể gặp của tinh hoàn.
2. Những nguyên nhân gây ra tinh hoàn ẩn?
Thông thường, tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu sau 28 tuần thai. Ở trẻ sinh non, do tinh hoàn chưa đủ thời gian để thực hiện hành trình xuống bìu, nên những trẻ này sẽ bị tinh hoàn ẩn. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân được đặt ra, như khi mang thai mẹ thường hút thuốc, uống rượu, mẹ dùng thuốc kháng androgen hoặc đã tiếp xúc với chất độc hại trong môi trường xung quanh, hay do di truyền…Tuy nhiên, tất cả chỉ là những giả thuyết.
3. Các nguy cơ có thể có khi bị tinh hoàn ẩn
– Chấn thương: nếu tinh hoàn nằm ở vị trí khác trên bìu, nhiều khả năng nó có thể bị tổn thương bởi những va chạm vào vùng xương mu.
– Xoắn tinh hoàn: biến chứng này cao gấp 10 lần so với tinh hoàn ở vị trí bình thường do tinh hoàn không được cố định ở bìu. Xoắn có thể bị biến chứng là hoại tử tinh hoàn dẫn đến mất chức năng và lâu dần sẽ teo tinh hoàn.
– Ung thư hóa: trẻ có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn khi trưởng thành.
– Giảm khả năng sinh sản: trẻ có thể bị vô sinh về sau nếu không được điều trị trước 2 tuổi.
– Trẻ có thể bị mặc cảm khi biết điều này.
4. Cách nhận biết tinh hoàn ẩn
– Được thầy thuốc phát hiện ngay từ lúc mới sinh ra.
– Khi nhìn, sẽ thấy một bên bìu bị xẹp so với bên kia hoặc cả hai bìu đều bị xẹp nhỏ.
– Bác sĩ sẽ cho trẻ siêu âm để xác định vị trí, cũng như đo kích thước của tinh hoàn.
5. Các bệnh cần phân biệt với tinh hoàn ẩn
– Tinh hoàn co rút: tinh hoàn không nằm trong bìu nhưng ta có thể kéo được xuống bìu và nó lại chạy lên vị trí cũ khi buông ra.
– Tinh hoàn lạc chỗ: tinh hoàn không nằm trên đường đi của ống bẹn, nó có thể ở cạnh bàng quang, tầng sinh môn, vùng trước xương mu…
6. Nguyên tắc điều trị
– Chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu trong mọi trường hợp trừ tinh hoàn co rút. Phẫu thuật này thường được thực hiện khi bé từ 6 tháng đến 2 tuổi.
– Phẫu thuật sớm để tránh teo tinh hoàn, hoại tử tinh hoàn do xoắn. Về lâu dài, việc phẫu thuật tinh hoàn ẩn khi còn bé có thể làm giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn sau này.
7. Tóm lại
Tinh hoàn ẩn là bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục thường gặp ở trẻ trai, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể gây nên mất chức năng tinh hoàn, thậm chí bị ung thư tinh hoàn về sau. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần có những hiểu biết cơ bản để có thể phát hiện ra bệnh và đưa trẻ đi khám sớm.
BSCKII. Nguyễn Trọng Nghĩa