BSCKI Trần Thị Ngọc Hoà
Khoa YHCT-PHCN
Cơ sàn chậu là gì?
Cơ sàn chậu là một khối cơ kéo dài từ vị trí xương cụt đến xương mu phía trước, tạo thành một mặt sàn phẳng giữa hai chân, có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, bàng quang và ruột. Đồng thời, cơ sàn chậu còn đảm nhiệm chức năng kiểm soát đường niệu đạo (đường tiểu), hậu môn (đường tống xuất phân) và đặc biệt là âm đạo (cơ quan quan trọng trong việc giao hợp và sinh sản).
Khi cơ sàn chậu yếu, người bệnh sẽ một số triệu chứng sau:
Đường âm đạo: Cảm giác đau và căng ở âm đạo, có khối đi xuống trong âm đạo, một số trường hợp nhìn thấy một khối ở ngoài âm hộ. Đây là tình trạng một hay nhiều cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo rớt ra khỏi vị trí bình thường (sa sinh dục);
Đường tiểu: Dễ bị són tiểu khi ho, cười hay hắt hơi gọi là tiểu không kiểm soát khi gắng sức, tiểu nhiều lần cả ngày hay đêm, tiểu gấp và không nín tiểu được;
Đường hậu môn: Són phân, xì hơi không kiểm soát.
Những trường hợp cần tập luyện cơ sàn chậu:
Sa sinh dục (sa tử cung – âm đạo) mức độ I, độ II;
Tiểu không tự chủ (són tiểu gắng sức, són tiểu cấp, són tiểu hỗn hợp), Tiểu không tự chủ sau sinh;
Sa trực tràng, trĩ, đại tiệu không tự chủ (són hoặc rỉ phân)
Sau sinh thường, phẫu thuật vùng tiểu khung, mãn kinh, táo bón mãn tính, ho mãn tính, người ít tập luyện,…
Tập luyện cơ sàn nhậu như thế nào:
Tư thế:
Ngồi trên ghế, trên bồn vệ sinh. Đảm bảo chân để thoải mái dưới sàn và hai chân dang rộng. Cúi người về phía trước, đặt khuỷu tay trên gối.
Nằm tư thế sản khoa, chân dựng 90 độ hoặc nghiêng một bên (tập bằng dụng cụ).
Kỹ thuật:
Bài tập co cơ:
Thít cơ hậu môn giống như muốn nín đi cầu. Đảm bảo không co cơ mông trong khi thực hiện;
Tiếp tục thít cơ âm đạo và niệu đạo giống như khi muốn nín tiểu;
Giữ cơ co lâu nhất có thể sau đó thư giãn cơ. Nghỉ đúng bằng thời gian co cơ. Ví dụ: co cơ đếm đến 10 và sau đó thư giãn cơ đếm đến 10 (gọi là co cơ chậm), sau đó thực hiện nhanh hơn như đếm đến 3, nghỉ 3 (gọi là co cơ nhanh);
Thực hiện nhiều lần cho đến khi mỏi cơ.
Các động tác không nên thực hiện: Co cơ mông, co gối, nín thở cùng lúc, nhấc vai, nhíu mày hay nhấc ngón chân lên khỏi mặt sàn.
Tập bằng máy phục hồi chức năng cơ sàn chậu:
Với những tiến bộ trong y học ngày nay, việc sử dụng máy tập mạnh cơ sàn chậu có kích thích xung điện đã giúp nhân viên y tế và người bệnh dễ dàng nhận biết được cơ sàn chậu và tập luyện hiệu quả;
Thông qua công nghệ điện từ tập trung cường độ cao, các xung từ tính cao tạo ra lực chuyển động có hướng. Một lần hoạt động tương đương với 12.000 bài tập Kegel. Nó kích thích các tế bào thần kinh vận động để kiểm soát sự co bóp của cơ sàn chậu, kích hoạt các mô sàn chậu và thúc đẩy tái tạo collagen, phục hồi hoàn toàn sự chùng xuống của cơ, săn chắc cơ sàn chậu.
Tập cơ sàn chậu trong bao lâu:
Bài tập co cơ: Số lần co thắt cơ trong một lần tập luyện khoảng 100 lần tuỳ theo từng bệnh nhân. Tập luyện mỗi ngày, tối thiểu 2 – 3 lần/tuần;
Tập bằng máy: 2 – 3 lần/tuần sau đó giảm dần 1 lần/tuần. Thời gian một liệu trình điều trị tùy thuộc vào từng bệnh nhân, có thể kéo dài 12 buổi đến 72 buổi. Thời gian một lần điều trị 30 – 45 phút
Có thể cảm nhận cơ sàn chậu co thắt bằng cách đặt một hay hai ngón tay vào âm đạo trong khi tắm, cố gắng co cơ sàn chậu để có thể cảm nhận cơ thít chặt ngón tay;
Mỗi 2 tuần, kiểm tra sức mạnh của cơ sàn chậu bằng cách nín tiểu giữa dòng. Không thực hiện quá 1 lần/2 tuần;
Luôn luôn cố gắng giữ cơ sàn chậu co trước khi ho, cười, hắt hơi, nâng vật nặng hay trước các hoạt động có thể gây són tiểu;
Cần thực hiện các bài tập co cơ sàn chậu suốt cả cuộc đời vì nếu ngưng tập, các vấn đề của bạn sẽ quay trở lại.
Trong khi thực hiện bài tập người bệnh thường quá tập trung theo người hướng dẫn để có thể làm đúng các bài tập nên nhóm cơ đáy chậu rất dễ mỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh tập đều đặn theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên sau một thời gian sẽ thấy làm đơn giản và nhẹ nhàng, không cần bất kỳ sự gắng sức nào. Người bệnh phải nhớ thư giản và thở bình thường khi thực hiện bài tập với các cơ vùng đáy chậu tránh các cử động thay thế./.
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Phục hồi chức năng Bộ Y tế năm 2017