TIM BẨM SINH Ở TRẺ SƠ SINH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs. Võ Hiền Nhân

  1. Tim bẩm sinh là gì?

Tim bẩm sinh (TBS) là dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra ngay từ lúc còn ở thời kỳ bào thai.

  1. Tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
  • Có một số loại TBS ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và đúng ở thời kỳ sơ sinh sẽ diễn tiến nặng, để lại di chứng và thậm chí tử vong.
  • TBS nặng sơ sinh gồm:

+ TBS phụ thuộc ống động mạch như: Không lỗ van động mạch phổi, chuyển vị đại động mạch, hẹp van động mạch phổi nặng, thiểu sản tim trái, hẹp eo động chủ, . . .

+ TBS không phụ thuộc ống động mạch như: Bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi hoàn toàn, thân chung động mạch, bệnh Ebstein

  1. Việc phát hiện sớm và xử trí TBS nặng ở trẻ sơ sinh có tầm quan trọng như thế nào ?

Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 9.000 trẻ bị TBS ra đời. Trong đó có khoảng 3150 ca TBS nặng.

ð Số lượng trẻ sơ sinh mắc TBS ở Việt Nam cao, mà TBS có biểu hiện triệu chứng lâm sàng trong thời kỳ sơ sinh thường rất nặng ð Do đó tỉ lệ tử vong và di chứng cao nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Vì vậy TBS nặng sơ sinh cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời đúng, nhằm giảm di chứng và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh mắc TBS.

  1. Những trẻ sơ sinh nào NÊN được tầm soát TBS ?
  • Có tiền căn gia đình : TBS, bệnh lý di truyền, mẹ tiểu đường.
  • Có chẩn đoán tiền sản nghi có TBS, dị tật khác.
  • Sanh non tháng.
  • Đa dị tật.
  • Thụ tinh nhân tạo.
  • Trẻ sơ sinh có các triệu chứng nghi ngờ TBS : Tím, thở nhanh, khó thở, bú ít, . . .
  1. Và chúng ta làm gì để tầm soát, phát hiện sớm TBS?

Tầm soát TBS nặng gồm trong giai đoạn bào thai và sau khi sanh:

  • Giai đoạn bào thai: Tầm soát TBS là Siêu âm tim thai

+ Siêu âm tim thai có thể thực hiện từ khi thai nhi 14 tuần tuổi, tuy nhiên thời điểm tốt nhất để phát hiện dị tật là từ 18 – 22 tuần thai. Phương pháp này phát hiện được các dị tật tim nặng, giúp bác sĩ lâm sàng có kế hoạch theo dõi và xử trí sớm sau sanh

  • Giai đoạn sơ sinh: Tầm soát TBS là đo SpO2

+ Biện pháp này còn gọi là đo độ bão hòa oxy qua da, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò SpO2 kẹp vào đầu ngón tay và ngón chân của trẻ để kiểm tra. Bình thường SpO2 tốt nhất là 95 – 100% và không có sự khác biệt kết quả khi đo ở tay và ở chân. 

+ Nếu kết quả đo ở tay và chân lớn hơn hoặc bằng 3%, trẻ có nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh sẽ được khuyến cáo nên siêu âm tim kiểm tra. Phương pháp sàng lọc dị tật tim đơn giản này cho kết quả chính xác nhất khi trẻ sinh ra được khoảng 24 – 48 giờ.

  1. Có những biện pháp nào để làm giảm tỉ lệ mắc TBS không?

Nguyên nhân gây bệnh TBS  rất đa dạng, vì vậy việc phòng ngừa là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên có 1 số biện pháp có thề giúp ít giảm tỉ lệ mắc TBS ở phụ nữ mang thai như:

  • Tránh tiếp xúc tác nhân vật lý như tia X, tia phóng xạ.
  • Thai phụ tránh nhiễm siêu vi trùng trong 3 tháng đầu như quay bị, Herpes,…
  • Tránh thuốc an thần, thuốc nội tiết tố cũng như các hóa chất độc hại, độc chất (rượu, thuốc lá,…).
  • Điều trị ồn các rối loạn chuyển hóa, bệnh toàn thân: tiểu đường, Phénylcétonurie, Lupus ban đỏ,… trước khi mang thai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ y tế (2015), Chương trình rà soát bệnh tim bẩm sinh trước sinh.
  2. Vũ Minh Phúc (2022), “Tiếp cận tim bẩm sinh nặng ở trẻ sơ sinh”, Nhi khoa tập 4, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM, tr. 474 – 493.
  3. Jonathan N Johnson, Deepak M Kamat (2018). “Evaluation of the Neonate with congenital heart disease in Common Cardiac Issues in Pediatrics”. American Academy of Pediatrics, 1st Edi; pp.171-183.
  4. Michael Artman, Lynn Mahony, David F Teitel (2017). “Initial Evaluation of Newborn with suspected Cardiovascular Disease in Neonatal Cardiology”. Mc Graw Hill, 3th Edi; pp.68-81.
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •