Bạn đang tìm hiểu thông tin về tiêm chủng cho con em mình?Bạn đang mang thai và muốn tìm hiểu thêm thông tin về về tiêm chủng cho thiên thần nhỏ của mình một cách thật đầy đủ? Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản và cần thiết nhất để các bạn thật yên tâm và để con em mình được cung cấp những sự bảo vệ tốt nhất từ lúc mới sinh.
Tại sao chúng ta phải tiêm chủng cho trẻ?
o Khoảng 85% – 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng do bệnh truyền nhiễm.
o Tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện: khi tránh được các bệnh truyền nhiễm, trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não
o Chi phí dành cho tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị khi trẻ bị mắc bệnh.
Từ 01/01/2018, Bộ Y Tế quy định các bệnh truyền nhiễm thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), áp dụng cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, gồm 10 bệnh: viêm gan virus B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B, bệnh sởi, viêm não Nhật bản B và Rubella.
Lịch tiêm chủng 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc
Vì sao phải khám sàng lọc trước tiêm chủng?
Theo hướng dẫn của Bộ Y Tế, trẻ cần được khám sàng lọc trước tiêm chủng nhằm phát hiện trường hợp bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ tiêm chủng hay không tiêm chủng vắc xin.
Theo dõi trẻ sau tiêm chủng như thế nào?
Theo dõi trẻ tại điểm tiêm chủng chủng ít nhất 30 phút sau tiêm và hướng dẫn gia đình khi về nhà.
o Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
o Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
Làm gì khi trẻ nhỡ lịch tiêm chủng?
o Một thực tế là, rất nhiều trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ vì cha mẹ quên lịch tiêm chủng của con hoặc trẻ bị bệnh, sốt trong ngày hẹn tiêm chủng theo lịch. Hệ quả là không ít trường hợp bé tiêm muộn, tiêm không đủ mũi vắc xin dẫn đến tình trạng vẫn có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
o Theo khuyến cáo từ cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, khi phát hiện bé đã bị nhỡ lịch tiêm phòng, cha mẹ cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để được tư vấn hướng khắc phục. Tùy theo loại bệnh truyền nhiễm, cán bộ y tế có thể sẽ khuyên phụ huynh vẫn cho trẻ tiêm bù mũi tiêm bị nhỡ ngay sau khi trẻ khỏe hoặc theo lịch.
o Trong trường hợp những mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại phường/ xã nơi minh sinh sống đang bị thiếu/ hết vắc xin mà con mình đã đến tuổi tiêm theo lịch tiêm chủng, cha mẹ có thể chọn vắc xin dịch vụ tại các bệnh viện, trung tâm tiêm chủng uy tín để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm bệnh trong thời gian chờ vắc xin tiêm chủng mở rộng.
o Việc này hoàn toàn được các khuyến cáo (ngay cả với những bệnh cần tiêm phòng nhiều mũi thì việc tiêm xen kẽ vắc xin miễn phí và vắc xin dịch vụ không làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc xin và không ảnh hưởng đến sự an toàn tiêm chủng cho bé).
Trẻ cũng cần tiêm nhiều loại vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng
o Vắc xin phòng tiêu chảy do Rota virus: nên bắt đầu lúc 6 tuần tuổi, liều thứ 2: sau đó 4 tuần, phải kết thúc 2 liều trước 6 tháng tuổi
o Vắc xin phòng thủy đậu: khi trẻ đã được trên 12 tháng tuổi
o Vắc xin phòng 3 bệnh: sởi – quai bị – rubella: trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên
o Vắc xin phòng viêm gan A, A+B
o Vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu tuýp A+C, tuýp B+C
o Vắc xin phòng viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do phế cầu: trẻ 6 tuần tuổi-5 tuổi
o Vắc xin phòng cúm: từ 6 tháng trở lên.
o Vắc xin phòng thương hàn: người lớn và trẻ trên 2 tuổi
o Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung (cho bé gái từ 9 tuổi trở lên)
Nguồn: Quyết định 2301/QĐ-BYT 2015, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em, Thông tư 34/2018/TT-BYT quy định về hoạt động tiêm chủng, Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, Thông tư 34/2018/TT-BYT.