Thoát vị bẹn là tình trạng phồng lên một cách bất thường mà phụ huynh có thể nhìn thấy được ở vùng bẹn bìu ở trẻ nam hoặc vùng bẹn môi lớn ở trẻ nữ. Bệnh cần phải được điều trị bằng phương pháp ngoại khoa. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, các bậc phụ huynh cần đưa con em đến cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại nhi để được khám và điều trị sớm.
2. Tỉ lệ mắc phải và nguyên nhân
Ở trẻ đủ tháng, cứ 1000 trẻ được sinh ra thì có từ 8-44 trẻ bị mắc bệnh này (chiếm 0,8-4,4%). Riêng đối với trẻ sinh non, bệnh sẽ cao hơn rất nhiều tùy theo tuổi thai, khoảng 30%.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, và xảy ra ở cả 2 giới nam và nữ. Tuy nhiên, ở trẻ nam bệnh thoát vị bẹn thường gặp nhiều hơn trẻ nữ gấp 5-10 lần. Thoát vị bẹn thường gặp nhiều ở bên phải với khoảng 60% trường hợp, bên trái gặp khoảng 25-30% và xảy ra ở cả 2 bên chỉ khoảng 10-15%.
Bệnh xảy ra do sự tồn tại của ống phúc tinh mạc ở trẻ nam hoặc ống Nuck ở trẻ nữ (mà đáng lẽ các ống này sẽ được đóng kín lại trước khi sinh). Khi đó, các cơ quan trong ổ bụng có thể chui qua các ống này để xuống vùng bẹn bìu, môi lớn tạo thành khối phồng vùng bẹn, gây ra thoát vị bẹn (ở trẻ nữ còn gọi là thoát vị ống Nuck).
3. Các dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn sẽ được biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn bìu ở trẻ nam, hoặc vùng bẹn môi lớn của trẻ nữ. Khối phồng này thường xuất hiện lớn hơn khi trẻ chạy, nhảy, ho, khóc, rặn khi đi vệ sinh… Lúc trẻ nằm yên, nghỉ ngơi hay lúc ngủ thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, khối phồng xẹp đi, lúc đó nhìn vùng bẹn của trẻ trở lại như bình thường.
Khi khám lâm sàng, thầy thuốc có thể phân biệt được với một số bệnh lí khác như: viêm tấy vùng bẹn bìu, viêm mào tinh-tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, u mỡ… là những bệnh lí cũng thường gặp ở vùng bẹn bìu và phải được điều trị đúng cách.
4. Khi trẻ bị thoát vị bẹn nghẹt
Vùng bẹn của trẻ sẽ có một khối phồng căng cứng, sờ đau. Phần lớn trẻ nhập viện với tình trạng bứt rứt, bỏ bú, nôn ói, quấy khóc (ở trẻ nhỏ) và than đau vùng bẹn (ở trẻ lớn).
Ghi nhận tiền sử trẻ sẽ thấy có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn trước đó, nay khối phồng căng và không xẹp lại như mọi khi. Khi chạm vào khối phồng, trẻ có cảm giác đau và thường không cho chạm vào.
Da trên khối phồng có thể đổi bị màu, thân nhiệt tăng lên, lúc đó dấu hiệu tắc ruột sẽ trở nên rõ ràng hơn.
5. Bệnh có tự hết không? Tại sao phải phẫu thuật (mổ)?
Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lí bẩm sinh, không thể tự hết. Nếu không mổ sẽ bị biến chứng nghẹt dẫn đến các hậu quả sau:
- Ruột, mạc nối, buồng trứng (ở trẻ nữ)… trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc (hoặc ống Nuck) gây nghẹt có thể dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng… nếu không được mổ kịp thời.
- Mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt có thể làm tổn thương tinh hoàn.
6. Thoát vị bẹn được phẫu thuật lúc nào?
Thoát vị bẹn khi đã được chẩn đoán, thì phẫu thuật là phương pháp duy nhất để giải quyết sớm bệnh lí này, nhằm tránh biến chứng nghẹt có thể xảy ra. Điều đó có nghĩa là phẫu thuật thoát vị bẹn có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi, trừ trường hợp trẻ sinh non hoặc có kèm theo bệnh lí nặng.
Mục đích của phẫu thuật là thắt lại ống phúc tinh mạc (ở trẻ nam) hoặc ống Nuck (ở trẻ nữ).
Với kỹ thuật mổ hiện nay, trẻ sẽ có được vết mổ nhỏ (khoảng 2.5-3cm), nằm theo nếp lằn bụng dưới nên đảm bảo tính thẩm mỹ. Thời gian nằm viện điều trị trung bình khoảng hai ngày. Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau mổ 7 ngày.
Để giảm nguy cơ bị trào ngược do hít phải dịch dạ dày khi gây mê, trẻ cần phải được đảm bảo dạ dày rỗng trước khi gây mê, cụ thể:
- Trẻ bú sữa công nghiệp và thức ăn đặc: phẫu thuật chỉ được tiến hành sau 6-8 giờ.
- Trẻ bú sữa mẹ: phẫu thuật được tiến hành sau 4 giờ.
- Nếu trẻ chỉ uống nước đường hoặc nước trắng: phẫu thuật có thể được tiến hành sau 2 giờ.
8. Chăm sóc cho trẻ sau phẫu thuật
Sau mổ 30 phút, khi trẻ tỉnh táo hẳn, có thể cho trẻ uống ít nước. Sau mổ 1 giờ, trẻ có thể được ăn uống nhẹ. Sau mổ 2 giờ, trẻ có thể trở lại ăn uống bình thường.
Có thể cho trẻ tắm rửa bình thường vào ngày hôm sau.
Bệnh thoát vị bẹn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, sẽ tránh được các biến chứng có thể xảy ra cho trẻ. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sinh non nên các bậc phụ huynh cần quan tâm chú ý nhiều hơn. Không nên chờ trẻ đến lớn mới mổ, mà ngược lại bệnh nên được mổ càng sớm càng tốt.
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện của thoát vị bẹn, các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám tại Khoa Ngoại nhi, Bệnh Viện Sản Nhi An Giang hoặc gọi điện thoại đến số 0296.3989.247 để được tư vấn miễn phí ban đầu.
Nơi đây chúng tôi có triển khai phẫu thuật dịch vụ trong ngày, sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và đỡ tốn phí sinh hoạt cho gia đình người bệnh.
BSCKII. NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Nguồn tin: BSCKII. NGUYỄN TRỌNG NGHĨA