THAI PHỤ CÓ VẾT MỔ CŨ =====>>NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  1. Thế nào gọi là Vết mổ cũ???

Vết mổ cũ bao gồm những vết mổ nằm trên tử cung như:

+ Vết mổ lấy thai cũ

+ Vết mổ bóc nhân xơ

+ Phẫu thuật cắt góc tử cung do thai ngoài tử cung

+ Phẫu thuật khâu các chấn thương cũ ở tử cung do vỡ, tai nạn, thủng tử cung.

+ Phẫu thuật ghép tử cung đôi.

  1. Theo dõi cử động thai / VMC

Mẹ bầu nên chọn 1 thời điểm nhất định trong ngày và sau bữa ăn để thực hiện đếm cử động thai.

  • Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ.
  • Nếu có ít hơn 4 cử động thai, mẹ bầu nên tiếp tục đếm trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ có ít hơn 10 cử động, nghĩa là có giảm cử động thai.
  1. Những nguy cơ khi mang thai có vết mổ cũ:

Vỡ tử cung:

–  Vỡ tử cung là biến chứng nặng nề, thường được lưu ý ở thai kỳ có vết mổ cũ, đặc biệt ở những tháng cuối của thai kỳ và thời điểm chuyển dạ. Nguy cơ vỡ tử cung khi có thai trên vết mổ cũ 2 lần cao gấp đôi so với vết mỗ cũ 1 lần.

 

  1. Hiếm muộn (khó có thai):

– Các tổn thương trong quá trình mổ lấy thai và lành vết thương sau mổ lấy thai có thể khiến bạn khó có thai trong tương lai. Bao gồm tình trạng nhiễm trùng vết mổ lấy thai, tụ dịch, khuyết sẹo mổ cũ, tổn thương và tắc hai ống dẫn trứng, tổn thương buồng trứng …

 

  1. Thai bám sẹo mổ lấy thai:

– Đây là một dạng của thai ngoài tử cung, khi túi thai làm tổ ngay tại vị trí sẹo mổ lấy thai cũ. Túi thai bám ở sẹo mổ cũ có thể dẫn đến một số biến chứng rất nghiêm trọng như chảy máu ồ ạt, vỡ tử cung, bánh nhau xuyên qua sẹo mổ, xâm lấn và gây tổn thương bàng quang. Đối với thai bám ở sẹo mổ cũ, cần điều trị để chấm dứt thai kỳ do nguy cơ vỡ tử cung tăng cao khi túi thai lớn dần. Thai càng lớn điều trị càng khó khăn và nhiều tai biến, do đó nếu nghi ngờ có thai lại sau mổ lấy thai, bạn nên đi khám sớm nhằm phát hiện và điều trị sớm nếu có tình trạng thai bám sẹo mổ cũ.

  1. Nhau tiền đạo:

– Là một tình trạng bất thường khi bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, ngang qua hoặc gần cổ tử cung. Tình trạng này khiến sản phụ có nguy cơ ra huyết âm đạo trong thai kỳ, phải mổ lấy thai lại và nguy cơ băng huyết sau sinh. Tần xuất nhau tiền đạo ở thai kỳ sau cao hơn gấp 1,5 đến 6 lần khi sản phụ có mổ lấy thai so với sinh thường.

  1. Nhau cài răng lược:

– Nhau cài răng lược xảy ra khi bánh nhau bám lên vị trí sẹo mổ cũ và xâm nhập sâu vào lớp cơ tử cung. Bánh nhau có thể xuyên qua lớp cơ tử cung, xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột và gây tổn thương các cơ quan này. Nhau cài răng lược có thể gây chảy máu rất nặng, ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Ngay cả khi mổ lấy thai, bạn cũng có nguy cơ bị cắt tử cung do khó kiểm soát chảy máu.

  • Ngoài ra, những mẹ bầu có sẹo mổ cũ trên tử cung còn có nguy cơ sinh non, mổ lấy thai và băng huyết
  1. Có vết mổ cũ khi mang thai bạn cần phải làm gì?

– Trước hết, bạn không nên có thai quá sớm khi vết mổ cũ còn mới (dưới 18 tháng) vì khi đó dễ bị nứt vết mổ gây mất máu và chết thai.

– Bạn cần khám thai định kỳ một cách đều đặn theo đúng hẹn.

– Bạn cần đưa giấy mổ lần trước cho các bác sĩ và khai rõ lý do mổ là gì, thời gian từ lúc mổ đến nay là bao lâu, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không…

– Ngoài ra bạn nên chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ cần phải đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất.

  1. Vấn đề kế hoạch hoá gia đình:

– Để tránh vết mổ cũ mới, ngay sau lần mổ đầu tiên bạn nên lưu ý đến vấn đề ngừa thai. Để chọn lựa phương pháp ngừa thai bạn nên tham vấn bác sĩ. Từ 2 năm trở lên bạn hãy để có thai lại.

– Khi bạn đã mổ lấy thai 2 lần rồi và có đủ con thì không nên sanh nữa, cần thiết phải ngừa thai.

– Đặc biệt, đối với những người đã mổ 2 lần rồi mà chưa đủ con thì có thể mổ lần thứ 3 nhưng nguy cơ nứt vết mổ cũ khá cao. Sau khi mổ lần thứ 3 nên triệt sản.

Không nên để tử cung mang vết mổ phải thử thách nhiều lần vì tính mạng của bạn.

Tài liệu tham khảo:

– Bộ y tế 2016, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

– Bệnh viện Từ Dũ, khoa Sản – Thai và Vết mổ cũ

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •