TẨY GIUN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

CKI.ĐD Trương Kim Thuyên

Ở Việt Nam, các loại giun đường ruột thường gặp ở người là giun đũa, giun tóc và giun móc/ mỏ. Ở trẻ em còn hay nhiễm phải giun kim. Người bị nhiễm giun thường hay bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng và nhiều vấn đề sức khỏe, biến chứng nghiêm trọng khác. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên tự ý thức uống thuốc tẩy giun định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

  1. Thuốc tẩy giun

Thuốc tẩy giun sán, thuốc xổ giun, xổ lãi bao gồm những thuốc chứa hoạt chất có tác dụng tiêu diệt những loại giun, sán ký sinh trong đường ruột. Cơ chế hoạt động của các thuốc này thường là ngăn cho giun sán sử dụng nguồn chất dinh dưỡng, từ đó gây chết hoặc làm tê liệt chúng. Theo hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng của Bộ Y tế, hai thuốc tẩy giun được sử dụng là albendazole hoặc mebendazole, đối tượng sử dụng là từ 12 tháng tuổi trở lên

  1. Chống chỉ định
  • Người đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt trên 38ºC
  • Người đang mắc một số bệnh mạn tính như suy thận, suy tim, suy gan, hen phế quản
  • Người có tiền sử dị ứng với thành phần thuốc
  • Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em dưới 12 tháng tuổi
  1. Đối tượng dùng thuốc tẩy giun

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có bản hướng dẫn điều trị dự phòng bằng thuốc tẩy giun cho từng nhóm đối tượng như sau:

Dùng thuốc tẩy giun cho trẻ em

Sử dụng thuốc tẩy giun albendazole hoặc mebendazole dùng một liều duy nhất với tần suất 1–2 lần/ năm (tùy theo vùng dịch tễ) được khuyến cáo thực hiện cho tất cả trẻ nhỏ và trẻ em. Liều lượng dùng như sau:

  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: dùng albendazole 200mg hoặc mebendazole 500mg, liều duy nhất.
  • Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: dùng albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg, liều duy nhất.

Dùng thuốc tẩy giun cho người lớn

Người trưởng thành, trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên không mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên dùng albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg liều duy nhất, tần suất 1–2 lần/ năm tùy theo vùng dịch tễ.

Dùng thuốc tẩy giun cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai sau 3 tháng đầu sinh sống ở khu vực có hai yếu tố sau đây nên sử dụng thuốc tẩy giun để giảm nguy cơ nhiễm giun:

  • Tỷ lệ nhiễm giun móc và/ hoặc giun tóc ở phụ nữ có thai trên 20%
  • Vấn đề thiếu máu nghiêm trọng với tỷ lệ lưu hành ở phụ nữ có thai là 40% hoặc cao hơn

Thuốc sử dụng là albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg với liều duy nhất, tần suất 1–2 lần/ năm.

Cách phòng ngừa nhiễm giun

Bên cạnh việc tẩy giun định kỳ, để tránh tình trạng nhiễm giun cha mẹ cũng nên phòng ngừa cho trẻ với các biện pháp như:

  • Tập thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này nhất là khi chuẩn bị đồ ăn cho bé
  • Vệ sinh ăn uống, cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín và trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa
  • Vệ sinh thân thể: Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau khi trẻ đi đại tiện, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi, không để trẻ ở truồng hay mặc quần thủng đít.
  • Bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước, không để trẻ bò lê la, nghịch đất cát.
  • Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống thuốc tẩy giun. Nếu có thành viên trong gia đình mắc giun kim cần tẩy giun cho cả nhà.

Nguồn: Bộ Y tế

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •