Được sự chấp thuận của Sở Y tế theo công văn 1670/SYT – NVY ngày 18/6/2024, Bệnh viện Sản – Nhi An Giang phối hợp với bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang, ngày 22/6/2024 tổ chức tập huấn “Cập nhật chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh sốt xuất huyết Dengue , tay chân miệng ở trẻ em ”
Tham dự buổi tập huấn có 200 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng các cơ sở điều trị khám, chữa bệnh công lập và tư nhân.
BSCKII. Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc -BV Nhi đồng thành phố trình bày về các nội dung trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng theo hướng dẫn chẩn đoán mới của Bộ Y tế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý những trường hợp nặng. CNĐD Trần Phương Tâm- Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức ngoại – Bệnh viện Nhi đồng TP trình bày cách chăm sóc catheter tĩnh mạch trung tâm, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn ở những trẻ sốt xuất huyết, tay chân miệng nặng.
BSCK II. Hồ Thái Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang tặng quà lưu niệm PGS TS. BS. Trương Quang Định, Giám đốc – BV Nhi đồng TP
BSCKII. Hồ Thái Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản- Nhi An Giang tặng hoa cảm ơn các báo cáo viên – Bệnh viện Nhi đồng TP
Tại buổi tập huấn, các học viên đã được cập nhật các kiến thức về bệnh lý, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh sốt xuất huyết Dengue và tay- chân- miệng ở trẻ em, cũng như kinh nghiệm đánh giá và xử trí các trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng; những lỗi thường gặp khi chẩn đoán; cách điều trị sốt xuất huyết Dengue nội trú, ngoại trú và phòng, chống bệnh tay chân miệng.
BSCKII. Nguyễn Minh Tiến – trình bày các chẩn đoán và xử trí bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng ở trẻ em
Hiện nay công tác phòng dịch rất quan trọng, sốt xuất huyết hay tay chân miệng do chưa có vaccine phòng bệnh nên người dân chủ động phòng bệnh từ chính gia đình.
“Bệnh tay chân miệng phòng hiệu quả nhất là quản lý tốt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, cùng đó luôn giữ tay sạch cho trẻ. Người trông giữ trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch, vệ sinh tay thường xuyên để tránh làm nguồn lây bệnh.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý thêm, khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiêu nặng cần cho trẻ nhập viện: Trẻ sốt trên 39 độ C, nôn nhiều, giật mình. Trẻ có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ hay ngủ gà, lơ mơ. Trẻ run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng. Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Về hô hấp, trẻ thở nhanh, thở bất thường, ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè.
Tại các cơ sở y tế tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh, tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.
Phòng KHTH – BV Sản Nhi An Giang