TĂNG HUYẾT ÁP VÀ TIỀN SẢN GIẬT KHI MANG THAI

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs Huỳnh Huy Thanh (Khoa sanh – cấp cứu)

tangha

  Tăng huyết áp (THA) là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai, chiếm khoảng 10% tổng số thai kỳ, là 1 trong 3 nguyên nhân quan trọng gây tử vong mẹ trên toàn thế giới.

1. Tăng huyết áp là gì?

  Huyết áp là áp lực của máu đối với thành mạch máu mỗi khi tim co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể. THA có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Khi mang thai, THA nặng hoặc không kiểm soát được có thể gây ra các biến chứng cho mẹ và thai nhi.

2. THA mạn tính là gì?

  THA mạn tính là huyết áp cao xuất hiện trước khi mang thai hoặc xảy ra trong nửa đầu (trước 20 tuần) của thai kỳ.

3. THA thai kỳ là gì?

  THA thai kỳ là huyết áp cao xuất hiện đầu tiên sau 20 tuần mang thai. Mặc dù THA thai kỳ thường biến mất sau khi sinh, nhưng nó có thể làm tăng nguy bị THA trong tương lai.

4. THA có thể gây ra những vấn đề gì trong thai kỳ?

  Huyết áp cao khi mang thai làm cho tim và thận hoạt động nhiều hơn và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh thận và đột quỵ. Các biến chứng có thể có khác bao gồm:

  - Thai chậm tăng trưởng : huyết áp cao có thể làm giảm dòng chảy chất dinh dưỡng đến thai qua nhau thai dẫn đến thai có vấn đề về tăng trưởng.

  - Tiền sản giật (TSG): tình trạng này có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ bị THA mạn tính hơn so với phụ nữ có huyết áp bình thường.

  - Sinh non: nếu nhau thai không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho thai, có khuyến cáo rằng sinh sớm sẽ tốt hơn cho em bé hơn là tiếp tục mang thai.

  - Nhau bong non: tình trạng này, trong đó nhau thai sớm tách ra khỏi thành tử cung, là một cấp cứu sản khoa đòi hỏi phải điều trị ngay lập tức.

  - Sinh mổ: phụ nữ bị THA có nhiều khả năng sinh mổ hơn so với phụ nữ có huyết áp bình thường. Sinh mổ có nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan nội tạng và chảy máu.

5. THA mạn tính khi mang thai được quản lý như thế nào?

  Huyết áp của sản phụ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Sản phụ cần theo dõi huyết áp tại nhà. Siêu âm thai được thực hiện trong suốt thai kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu nghi ngờ có vấn đề về tăng trưởng, bạn sẽ có các thử nghiệm bổ sung theo dõi sức khỏe của thai nhi. Thử nghiệm này thường được thực hiện trong ba tháng cuối của thai kỳ.

  Nếu THA là nhẹ, huyết áp có thể vẫn như vậy hoặc thậm chí trở lại bình thường trong khi mang thai, và thuốc huyết áp có thể được dừng lại hoặc giảm liều. Nếu THA nặng hoặc có vấn đề về sức khỏe liên quan đến THA, sản phụ có thể cần phải bắt đầu hoặc tiếp tục dùng thuốc huyết áp trong thai kỳ.

6. Tiền sản giật là gì?

  TSG là một rối loạn huyết áp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể người phụ nữ. Tiền sản giật xảy ra khi huyết áp cao và có các dấu hiệu cho thấy các hệ thống cơ quan không hoạt động bình thường. Một trong những dấu hiệu này là protein niệu (một lượng protein bất thường trong nước tiểu). Các dấu hiệu nặng của tiền sản giật bao gồm số lượng tiểu cầu trong máu thấp, chức năng gan hoặc thận bất thường, đau bụng vùng thượng vị, thay đổi thị lực, phù phổi (dịch trong phổi) hoặc đau đầu dữ dội. Huyết áp rất cao cũng được coi là một dấu hiệu nặng.

7. Khi nào TSG xảy ra?

  TSG thường xảy ra sau 20 tuần mang thai, điển hình là trong tam cá nguyệt thứ ba. Khi xảy ra trước 34 tuần được gọi là TSG khởi phát sớm. TSG cũng có thể xảy ra trong giai đoạn sau sinh.

8. Nguyên nhân của TSG là gì?

  Nguyên nhân thật sự gây TSG vẫn chưa rõ. Các nhà nghiên cứu đã đề cập đến các yếu tố nguy cơ cao và nguy cơ trung bình.

Các yếu tố nguy cơ cao bao gồm:

  - TSG trong thai kỳ trước

  - Đa thai

  - THA mãn tính

  - Bệnh thận

  - Đái tháo đường

  - Bệnh miễn dịch (như lupus ban đỏ hệ thống)

Các yếu tố nguy cơ trung bình bao gồm:

  - Mang thai lần đầu

  - Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30

  - Tiền sử gia đình có TSG (mẹ hoặc chị gái)

  - Lớn hơn 35 tuổi

  - Là người Mỹ gốc Phi

9. Những nguy cơ cho thai khi bị TSG là gì?

  Nếu TSG xảy ra trong thai kỳ, thai nhi có thể cần được sinh ngay, ngay cả khi thai chưa trưởng thành. Trẻ sinh non có nguy cơ bị nhiều biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng sinh non kéo dài suốt đời và cần được chăm sóc y tế liên tục. Trẻ sinh ra rất non cũng có thể sẽ không nuôi được.

10. Những nguy cơ đối với sản phụ bị TSG là gì?

  Những phụ nữ đã bị TSG có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh thận. Bị TSG một lần làm tăng nguy cơ tái phát trong thai kỳ sau. TSG cũng có thể dẫn đến co giật, một tình trạng gọi là sản giật. Nó cũng có thể dẫn đến hội chứng HELLP.

11. Hội chứng HELLP là gì?

  HELLP là viết tắt của tán huyết, men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp. Trong tình trạng này, các tế bào hồng cầu bị phá hủy, đông máu bị suy yếu và gan có thể bị chảy máu bên trong, gây đau ngực hoặc đau bụng. Hội chứng HELLP là một cấp cứu sản khoa. Phụ nữ có thể chết vì hội chứng HELLP hoặc có vấn đề sức khỏe suốt đời.

12. Những dấu hiệu và triệu chứng của TSG là gì?

  - Phù

  - Nhức đầu

  - Thay đổi trong thị lực (nhìn mờ, hoa mắt)

  - Đau thượng vị hoặc vai

  - Buồn nôn và nôn

  - Tăng cân đột ngột

  - Khó thở

13. Quản lý THA thai kỳ nhẹ và TSG không dấu hiệu nặng như thế nào?

  Quản lý THA thai kỳ nhẹ và TSG không dấu hiệu nặng có thể ở bệnh viện hoặc ngoại trú (sản phụ có thể ở nhà với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sản phụ khoa hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác). Sản phụ có thể được yêu cầu theo dõi các chuyển động của bé bằng số lần thai đạp hàng ngày và đo huyết áp tại nhà. Sản phụ sẽ cần gặp bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe ít nhất là hàng tuần và đôi khi hai lần mỗi tuần. Khi thai 37 tuần, có thể nên chấm dứt thai kỳ. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy thai không khỏe có thể cần phải sinh sớm hơn.

14. Quản lý TSG có dấu hiệu nặng như thế nào?

  TSG có dấu hiệu nặng thường được điều trị nội trú. Nếu thai trên 34 tuần, sản phụ nên sinh ngay khi tình trạng ổn định. Nếu thai dưới 34 tuần và tình trạng sản phụ ổn định, có thể chờ đợi thêm. Corticosteroid được cung cấp để giúp phổi thai nhi trưởng thành và sản phụ sẽ được dùng thuốc để giúp giảm huyết áp và giúp ngăn ngừa co giật. Nếu tình trạng của sản phụ hoặc tình trạng thai nhi xấu đi, việc chấm dứt thai kỳ nhanh chóng là cần thiết.

Nguồn:https://www.acog.org/patient-resources/faqs/pregnancy/preeclampsia-and-high-blood-pressure-during-pregnancy

Tài liệu tham khảo

1. ACOG (2013), Task force on Hypertension in pregnency. Hypertension in pregnency.
2. WHO (2011). WHO recommendations for prevention and treatment of preeclampsia and eclampsia.

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •