Bác sĩ CKI Lê Minh Tín
KDD-Bệnh viện Sản Nhi An Giang
I-ốt là gì ?
I-ốt là một nguyên tố đơn giản được phân phối rộng rãi trong tự nhiên và là một vi chất dinh dưỡng quan trọng với vai trò thiết yếu trong quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp. I-ốt là một phần không thể tách rời của hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp thực hiện nhiều hoạt động sinh lý ở thai nhi đang phát triển, trẻ em đang tăng trưởng và người lớn trưởng thành, và là nội tiết tố mạnh nhất giúp cho sự tăng trưởng, trưởng thành của não và bộ xương.
Vai trò của i-ốt đối với cơ thể
I-ốt có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. I-ốt là vi chất dinh dưỡng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động. Ngoài ra, I-ốt còn có vai trò trong việc chuyển hóa beta – caroten thành vitamin A, tổng hợp protein hay hấp thụ đường trong ruột non…
Khi mang thai, nhu cầu i-ốt của cơ thể thai phụ tăng lên khoảng 50% để đáp ứng nhu cầu hormone tuyến giáp cho cả mẹ và bé. Các Hormone tiết ra từ tuyến giáp sẽ giúp phát triển não và hệ thống thần kinh của thai nhi. Sau khi sinh, các hormone tuyến giáp tiếp tục được chuyển cho em bé thông qua sữa mẹ, đảm bảo hệ thống não và thần kinh của bé phát triển. Nếu thai phụ không nhận đủ i-ốt trong khẩu phần ăn, mẹ và thai nhi có thể bị thiếu i-ốt.
Tác hại do thiếu i-ốt đối với phụ nữ mang thai
Khi thiếu i-ốt làm tuyến giáp tăng nhanh về kích thước, gây phì đại tuyến giáp. Đồng thời, thiếu i-ốt còn ảnh hưởng tới khả năng sản xuất hormone, dẫn đến suy giáp gây tăng cân, mệt mỏi, chịu lạnh kém, trầm cảm, gây khó khăn trong việc nhai nuốt…
Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu i-ốt là ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt có nguy cơ cao bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra cân nặng thấp, chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, thiếu i-ốt cũng làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh. Ngoài ra, trẻ bị thiếu i-ốt ngay từ trong thai kỳ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, lé, điếc, câm. ….
Bổ sung i-ốt cho Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú
Do i-ốt là một vi chất mà tự cơ thể chúng ta không tổng hợp được nên bổ sung i-ốt là điều cần thiết. Tuy nhiên, thai phụ cần biết mình nên cần bổ sung bao nhiêu, không được nhiều hay ít hơn lượng quy định được khuyến nghị. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành cần trung bình 150 microgam Iode mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần nhiều hơn là 220 microgam và phụ nữ cho con bú cần đến 290 microgam mỗi ngày.
I-ốt có trong nhiều loại thực phẩm như hải sản, thịt động vật, một số loại rau … tuy nhiên thường có hàm lượng thấp không đủ cho nhu cầu hàng ngày. Cách bổ sung I-ốt hiệu quả nhất là sử dụng muối i-ốt và các sản phẩm có chứa i-ốt như: Bột canh i-ốt, nước mắm … hoặc dùng những loại thuốc bổ sung i-ốt theo chỉ định của Bác sĩ.
Một số điều cần lưu ý:
– Các Chị/Em nếu đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, nên đến bệnh viện để kiểm tra nồng độ i-ốt trong cơ thể để có giải pháp cải thiện tình trạng sức khỏe một cách tốt nhất.
– Nếu thai phụ đã và đang dùng thuốc điều trị bệnh lý liên quan tuyến giáp, hãy thông báo với Bác sĩ điều trị.
– Nên bổ sung đúng lượng i-ốt cơ thể cần, không thừa hoặc thiếu. Nếu bổ sung không phù hợp có thể gặp một số rối loạn không mong muốn như bướu cổ, viêm giáp, cảm giác nóng rát ở cổ họng, miệng và dạ dày; sốt, tiêu chảy và đau dạ dày; buồn nôn và nôn ói…
– Trong chế biến và bảo quản thực phẩm chú ý
Cần thận trọng với sự hiện diện của nitrat trong các loại thực phẩm vì chúng ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ i-ốt. Thai phụ nên tránh thực phẩm chế biến sẵn và thịt nguội, xúc xích…
Cần xem việc sử dụng muối I-ốt như muối thường như để nấu ăn, ướp cá , ướp thịt, chấm trái cây, …
Cần bảo quản muối I-ốt trong hộp hay lọ kín, để ở nơi khô ráo, mát không bị ánh nắng chiếu vào, tránh để muối quá gần bếp lửa./.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ y tế, Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú,2017.
- Creswell J. Eastman và Pieter Jooste: Những thách thức hiện nay về Nhu cầu I- ốt toàn cầu.