Nguyễn Hoàng Khánh
- Tiêm chủng là gì
Tiêm chủng là việc truyền Vắc xin nhằm kích thích hệ thống miễn dịch, phát triển sự miễn dịch thích ứng đối với một căn bệnh.
- Lợi ích khi tiêm chủng
Tiêm chủng vắc xin giúp con người tạo dựng khả năng miễn dịch đặc hiệu, chủ động chống lại các bệnh truyền nhiễm thông qua các loại vắc xin, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên, làm cho trẻ em khỏe mạnh phát triển thể chất và trí não bình thường. Qua đó, làm giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, đặc biệt giảm thời gian và công sức của phụ nữ do không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như góp phần bảo vệ, phát triển nguồn nhân lực cho xã hội. Ngoài ra tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung… Có thể nói rằng việc đầu tư cho tiêm chủng vắc xin dự phòng là đầu tư cho phát triển.
- Đối tượng tiêm chủng
Mọi lứa tuổi đều được khuyến cáo tiêm chủng tuỳ loại vắc xin . Phụ huynh cần đưa trẻ em đến các cơ sở y tế công lập hoặc cơ sở tiêm chủng được cấp phép để khám sàng lọc trước tiêm và tiêm ngừa đúng lịch theo quy định của Bộ Y tế.
- Các bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể dự phòng bằng vắc xin
Vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng 2024: Lao, Viêm gan siêu vi B, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, HiB, Bại liệt, Sởi, Rubella, Rota, Viêm não Nhật Bản B.
Các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác cũng được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam cho người dân có nhu cầu như: cúm, sốt xuất huyết Dengue, thủy đậu, HPV, dại, phế cầu, não mô cầu, tả,…
- Như vậy sau khi tiêm chủng chúng ta cần theo dõi như thế nào:
Ở lại ít nhất 30 phút sau tiêm vắc xin để theo dõi các phản ứng sau tiêm nếu có.
Theo dõi tình trạng sức khoẻ ít nhất 2 ngày sau tiêm vắc xin. Nếu có các biểu hiện như sốt cao > 39oC, co giật, khóc thét, khóc dai dẳng không dứt, khò khè, khó thở, tím tái, nổi mẫn đỏ, sưng to nơi tiêm,…:
+ Hãy đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để được chăm sóc điều trị.
+ Thông báo cho cơ sở đã tiêm vắc xin về trường hợp phản ứng vắc xin này.
- Cập nhật chương trình tiêm chủng mở rộng 2024
Sau đây là Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc xin và lịch tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng
(*)Khoảng cách giữa các lần tiêm chủng mỗi 01 tháng được tính ít nhất là 28 ngày.
(**)Liều cơ bản là các liều tiêm trước khi đủ 01 tuổi
Nếu chưa tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ liều thì tiêm bù càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất.
- Kết luận
Tiêm chủng vắc xin là phương pháp hiệu quả, rẻ tiền để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay, nước ta đã triển khai thêm nhiều loại vắc xin cần thiết trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và cung cấp hoàn toàn miễn phí đến tất cả trẻ em trên toàn quốc. Các quý phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế được cấp phép để được tiêm chủng đúng lịch theo quy định, đảm bảo xây dựng hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh.
- Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y Tế: Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10 tháng 6 năm 2024 về “Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024”
- Bộ Y Tế: Quyết định số 2470/QĐ – BYT ngày 14 tháng 06 năm 2019 về việc ban hành “Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em”
- Bộ Y Tế: Thông tư 10/2024/TT-BYT ngày 13 tháng 6 năm 2024 về việc ban hành “Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”