Tắc tia sữa là hiện tượng hệ thống ống tuyến sữa bị tắc do vậy sữa không chảy ra được. Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú.
Tắc tia sữa là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực mà không được đẩy ra ngoài.
1. Nguyên nhân tắc tia sữa
Tắc tia sữa (còn gọi là tắc tuyến sữa hay tắc ống dẫn sữa) là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực mà không được đẩy ra ngoài, khiến việc cho con bú gặp nhiều khó khăn cũng như gây đau đớn cho người mẹ.
Thai kỳ tuần 16, cấu trúc sản xuất (nang sữa) đã hoàn thiện để sản xuất những giọt sữa non đầu tiên. Nên ngay khi em bé chào đời sữa đã có sẵn trong bầu ngực và chỉ cần em bé ngậm bú đúng sẽ nhận được sữa mẹ. Nhiều mẹ lầm tưởng rằng chỉ những trường hợp không cho con bú sữa mẹ mới gặp tình trạng tắc tuyến sữa. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tắc tuyến sữa sau sinh, thường gặp là do:
- Vừa mới sinh con: Một số mẹ gặp phải tình trạng tắc tia sữa sau sinh. Bầu ngực chứa rất nhiều sữa nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được.
- Sữa mẹ dư thừa: Hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là do sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.
- Ngực chịu áp lực: Mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc. Ngoài ra, việc nằm sấp khi ngủ và tập luyện thể thao cũng gây ra tình trạng tương tự.
- Ít hút sữa ra ngoài: Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết sữa, bạn dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Lực hút của máy yếu không thể hút hết sữa ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tắc tia sữa.
- Bé ngậm bắt vú mẹ không đúng: Khi bé ngậm vú mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
- Mẹ không cho bú thường xuyên: Nếu không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày sẽ gây tình trạng tắc tia sữa.
- Stress: Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa.
2. Triệu chứng tắc tia sữa
Dù bạn đang ở giai đoạn đầu cho con bú sữa mẹ hoặc đã cho con bú một thời gian, tình trạng tia sữa bị tắc nghẽn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn có thể chú ý thấy một số dấu hiệu nhận biết mình đang bị tắc tia sữa:
- Sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ chủ động vắt sữa.
- Ngực căng cứng và to hơn so với bình thường, mức độ căng cứng càng lúc càng to dần, cảm giác đau nhức.
- Tắc tia sữa thành cục cứng. Khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm nhận được một hoặc nhiều điểm cứng.
- Ngực sưng nóng đỏ.
- Đôi khi tắc tia sữa gây sốt.
3. Tắc tia sữa có lây không?
Tắc tia sữa là tình trạng một lượng sữa bị giữ lại phía bên trong bầu ngực tại các ống dẫn sữa. Tắc tia sữa không phải bệnh lây nhiễm nên không thể lây.
4. Phòng tắc tia sữa
Để phòng tránh, hạn chế tắc tia sữa các mẹ cần cho bé bú ngay sau sinh, bú liên tục và theo nhu cầu của em bé. Sử dụng tay hoặc máy vắt sữa để loại bỏ phần sữa thừa ra bên ngoài. Tránh tình trạng sữa ứ đọng lâu ngày gây tắc, viêm vú.
- Trước khi cho bé bú, mẹ nên dùng khăn ấm để chườm ấm bầu ngực. Đồng thời, massage nhẹ nhàng bầu ngực từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong để lưu thông sữa tốt hơn. Massage vai, cổ, gáy.
- Nên xoa bóp đầu ti nhẹ nhàng theo vòng tròn nhằm kích thích và khơi thông tia sữa. Cho bé bú ở bên ngực bị tắc trước, sau đó mới chuyển sang bên ngực còn lại.
- Sau khi bé bú xong, mẹ nên hút hết sữa còn lại ra ngoài bằng tay hoặc máy hút sữa chuyên dụng để đảm bảo sữa không còn dư trong bầu ngực gây ứ đọng.
- Người mẹ nên mặc áo ngực thoải mái hoặc hạn chế mặc áo ngực để bầu ngực được thông thoáng hơn, giúp sữa được lưu thông dễ dàng hơn.
- Bổ sung đủ hàm lượng nước cần thiết mỗi ngày. Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ cần tránh việc quá căng thẳng, cố gắng giữ cho mình một tâm trạng thoải mái, lạc quan và vui vẻ nhất có thể.
- Người mẹ nên tập các bài thể dục nhẹ như thiền, yoga, đi bộ,…
Nên xoa bóp đầu ti nhẹ nhàng theo vòng tròn nhằm kích thích và khơi thông tia sữa.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp tắc tia sữa lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm tuyến vú hoặc áp xe vú, mẹ cần thăm khám sớm để được bác sĩ hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp như rạch thoát mủ hoặc sử dụng kháng sinh.
5. Điều trị tắc tia sữa
Tùy vào từng tổn thương cụ thể trên từng bệnh nhân mà có các phác đồ điều trị riêng chuyên biệt.
Phương pháp vật lý trị liệu thấy rõ ưu điểm như:
- Làm tan nhanh chóng các vị trí tuyến sữa bị đông kết và vón cục.
- Không gây sang chấn tổn thương các tuyến sữa bị viêm tắc và hệ thống ống dẫn sữa bình thường khác.
- Không cần sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm toàn thân.
- Trong thời gian điều trị vẫn duy trì cho con bú bình thường tránh mất sữa và bỏ ti mẹ.
Duy trì cho trẻ bú bình thường khi mẹ bị tắc tia sữa
Các phương pháp vật lý như:
- Điều trị bằng các phương pháp nhiệt: Tác dụng giảm đau,giảm co thắt tổ chức, tăng cường quá trình chống viêm và tăng tái sinh tổ chức làm nhanh liền vết thương.
- Điều trị bằng siêu âm: Có tác dụng giảm đau, làm mềm tổ chức, tăng các phản ứng sinh học và tăng quá trình chuyển hóa lên tổ chức giúp quá trình tái tạo tổ chức diễn ra nhanh hơn.
- Điều trị bằng laser: Làm giảm phù nề tổ chức, chống viêm giảm đau và tăng hoạt tính nguyên bào sợi, quá trình tổng hợp collagen có vai trò quan trọng trọng tái tạo tổ chức mô.
Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn bệnh mà có những phương pháp điều trị phù hợp mang lại hiệu quả điều trị.
Tóm lại: Tắc tia sữa tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ, dẫn đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc bé gặp nhiều khó khăn. Để được điều trị tắc sữa sau sinh an toàn và hiệu quả, khi có biểu hiện bà mẹ hãy đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị tốt nhất cho từng trường hợp.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn
Phòng Điều dưỡng