TẮC TIA SỮA BIẾN CHỨNG Ở TUYẾN VÚ THỜI KÌ HẬU SẢN

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Lời mở đầu:

          Người xưa có câu: “Mang nặng – đẻ đau” – Đó là những gì mà phụ nữ phải trải qua trong suốt quá trình mang thai cho đến khi vượt cạn. Đối với chúng ta, ngẫm khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày có vẻ ngắn ngủi, nhưng đối với người phụ nữ, nó rất dài. Họ đếm từng ngày, từng tuần, từng tháng, vui khi cảm nhận con mình ngày càng lớn nhưng cùng với đó là những hy sinh mất mát về thể xác lẫn tinh thần. Cảm giác mệt mỏi, bủn rủn, ăn uống không được, ngủ không ngon vì các cơn chuột rút bất ngờ hằng đêm rồi sau cùng là các cơn đau dồn dập của cuộc chuyển dạ. Ấy vậy mà chưa xong, thời kì hậu sản cũng có nhiều vấn đề nhưng nổi bật trong đó là các biến chứng ở tuyến vú. Khi là người thân, đặc biệt là chồng, chứng kiển cảnh vợ đau căng tức vì sờ vú rất cứng, con không chịu bú mà chỉ khóc oa oa lên, không dám uống thuốc vì sợ hư sữa và thế rồi hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc nước mắt giàn giụa và an ủi nhau: “ không sanh nữa đâu!”.

          Qua đó cho thấy trong thời kỳ hậu sản, nhiều tình trạng bất thường có thể xảy ra tại tuyến vú, từ những tình huống thông thường và nhẹ cho đến những tình huống ít phổ biến và nặng nề, từ những tình trạng vốn là sinh lý nhưng không xử trí kịp thời lại dẫn thành bệnh lý. Do đó tầm quan trọng của việc tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán và xử lý các bất thường này lại rất lớn, vì sẽ tạo nên niềm tin nơi bà mẹ và làm cho bà ta tiếp tục chấp nhận và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ. Các tình trạng bất thường phổ biến này gồm:

  1. Núm vú phẳng hoặc tụt vào trong và dài hoặc to. 

  2. Cương tức tuyến vú. 

  3. Tắc ống dẫn sữa và viêm vú. 

  4. Nứt và loét núm vú.


        Các tình huống thoạt nhìn có vẻ rất khác nhau này, ta vẫn có thể tìm thấy được điểm chung nhất của chúng: đó là các khó khăn có thể xảy ra cho việc thoát lưu sữa mẹ. Trong bài viết này sẽ đề cập đến tình trạng tắc ống dẫn sữa hay còn gọi là tắc tia sữa.

Phần 1: Nguyên nhân – Chẩn đoán – Xử trí

    I. Tắc tia sữa là gì ?

         Sữa mẹ được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa nằm ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, lòng ống dẫn bị hẹp bít lại làm sữa không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần hình thành cục cứng do hiện tượng sữa đông kết làm giãn các ống dẫn sữa phía trên gây nên tình trạng tắc tia sữa.

    II. Nguyên nhân

             Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tia sữa ở phụ nữ cho con bú:

             – Sữa mẹ dư thừa: chiếm hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là do bầu vú không được làm trống đủ và đúng sau các bữa bú.

            – Ngực chịu áp lực: mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc.

           – Bé ngậm bắt vú mẹ không hiệu quả, không bú thường xuyên: Khi bé ngậm vú mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.

           – Stress: Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin có nhiệm vụ kích thích co bóp vú tiết sữa.

          Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như chấn thương vú, tiền sử chấn thương vú do phẫu thuật cũng thường thấy.

     III. Chẩn đoán

          Dù bạn đang ở giai đoạn đầu cho con bú sữa mẹ hoặc đã cho con bú một thời gian, tình trạng tia sữa bị tắc nghẽn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn có thể chú ý thấy một số dấu hiệu nhận biết mình đang bị tắc tia sữa:

         – Đau, phải nói là rất đau mới chính là cảm giác ám ảnh người phụ nữ khi cho con bú. Ngực căng cứng và to hơn so sới bình thường, mức độ căng cứng càng lúc càng to dần, cảm giác đau nhức tột cùng.

        – Tắc tia sữa thành cục cứng. Khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm nhận được một hoặc nhiều nốt cứng từ 1 – 2cm trở lên, nằm rải rác, đôi khi tạo thành mảng cộm dưới da.

        – Ngực sưng nóng đỏ, đôi khi tắc tia sữa gây sốt

        – Nếu tình trạng bội nhiễm xảy ra, phần mô vú bị tắc sẽ có một phản ứng viêm vú nhiễm trùng, có nguy cơ diễn tiến thành áp xe vú.

     IV. Điều trị

       Trong mọi tình huống, can thiệp trước tiên cần thiết là cải thiện tình trạng lưu thông của sữa trong vú.

       Nội dung can thiệp tùy thuộc vào nguyên nhân.

       Trước hết, hãy cùng bà mẹ quan sát một cử bú đúng mức của trẻ, xem xét cách ngậm bắt vú, thời gian bú, khoảng cách các cử bú và tình trạng bầu vú sau bữa bú xem còn sữa dư thừa hay không. Bà mẹ nếu làm không tốt công việc này sẽ vừa tăng nguy cơ tắc tia sữa mà em bé lại không bú sữa được.

       Nếu trẻ đã ngậm bắt vú đúng nhưng không có sữa xuống, bà mẹ cần được hỗ trợ như sau:

       – Trước khi cho bé bú, mẹ nên cởi hoàn toàn áo ngực để lượng sữa được lưu thông không bị hạn chế.

       – Sau đó chườm ấm làm dãn, giảm co thắt cơ trơn nang sữa và ống dẫn sữa, làm tan lỏng sữa vón cục. Một số cách chường ấm như sau:

       +   Cho nước nóng vào 1 cái bình, quấn xung quanh bằng 1 cái khăn lông mỏng vừa phải, áp vào mặt trong cánh tay thấy nóng vừa, tránh bỏng, bắt đầu lăn lên nơi bị tắc tia.

       +   Dùng khăn nhúng nước ấm đắp lên.

       +   Tắm bồn bằng nước ấm: ngâm mình và toàn bộ ngực vào trong bồn nước ấm, vừa ngâm vừa massage ngực bị tắc.

       – Kế đó nhẹ nhàng massage dọc từ ổ sữa ứ hướng về núm vú, massage  xoay tròn vùng ranh giới giữa đau và không đau (nút tắc, chú ý phương pháp day ép), massage làm mềm quầng vú (vùng xoang sữa), lau sạch núm vú và cho bé bú.

      – Dùng dùng 2 bàn tay ép vào nhau và ép lên thành ngực. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí tắc sữa. “Day ép” chứ không phải là “xoa”, bởi vì chỉ có lực khi day ép mới có tác dụng đối với vị trí tắc sữa nằm ở sâu bên trong bầu vú và mới có thể làm tan chỗ tắc sữa. Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có khả năng chịu đựng được, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 – 30 lần và ngược lại. Thực hiện như trên nhiều lần.

       – Chườm ấm và massage là 2 thao tác rất quan trọng, có hiệu quả rất tốt trước khi bắt đầu cử bú. Mẹ nên cho bé bắt đầu với bên ngực bị tắc. Khi bé bú không hết, mẹ cần dùng tay hoặc máy hút sữa để loại bỏ phần sữa còn dư, đảm bảo không có sữa đọng lại.

      – Trong trường hợp bà mẹ tắc tia sữa bị sốt cao thì bé bú sữa mẹ sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đi đại tiện phân bọt, chất xanh, thậm chí tiêu chảy nếu sữa lẫn mủ). Vì vậy, trong thời gian điều trị tắc tia sữa bị sốt cao thì không nên cho bé bú bên vú bệnh mà cần hút bỏ đến khi khỏi mới cho bú lại. 

      Tuy nhiên, nếu sau khi xử trí tại nhà mà bà mẹ thấy sốt nhiều hơn, đau và nổi cục nhiều hơn không đỡ thì nên đi khám cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

     – Một quan niệm mà nhiều người hay ngộ nhận là sử dụng máy hút sữa có thể giải quyết được tắc tia sữa. Nhưng thực tế thấy rằng do dùng áp lực âm để hút nên thường chỉ sử dụng trong giai đoạn sớm khi khối tắc sữa mới vón kết và vị trí tắc nằm gần núm vú. Đối với vị trí tắc sữa ở sâu hoặc ở nang sữa thì rất khó vì nếu để áp lực nhỏ thì không thể làm tan chỗ tắc sữa đông kết, còn nếu để áp lực lớn thì sẽ gây ra tổn thương nặng thêm do mạch máu, ống dẫn bị căng giãn; nhất là khi hiện tượng tắc sữa có yếu tố nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn muộn khi tắc sữa đã hình thành những cục, mảng lớn thì dùng dụng cụ hút sữa gần như không có tác dụng. Vậy nên chỉ nên sử dụng dụng cụ hút sữa khi mới xuất hiện những dấu hiệu sớm của bệnh.                                                                                                 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Âu Nhựt Luân, Bài giảng sản phụ khoa Y4, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

https://en.wikipedia.org/wiki/Blocked_milk_duct.

– Internet.

 

 

BS Nguyễn Thị Ngọc Huyền

Khoa Phụ

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •