Sơ Sinh Non Tháng Và Bệnh Lý Võng Mạc

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

CKI ĐD Trương Kim Thuyên – Trưởng Phòng Điều Dưỡng

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là với những trẻ sinh khi tuổi thai nhỏ hơn 33 tuần tuổi. Nguyên nhân là vì võng mạc mắt thường hình thành từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 40 của thai kỳ, ở trẻ đẻ non mạch máu võng mạc không được phát triển hoàn thiện, sự phát triển bất thường này sẽ dẫn đến những tổn hại của võng mạc và ảnh hưởng đến thị giác của trẻ.

  1. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP) là gì?

ROP là nhóm bệnh lý tăng sinh mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non, nhẹ cân (dưới 1800g) thường gặp ở trẻ non tháng, có thể dẫn đến giảm thị lực và mù loà nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.

  1. Tại sao lại quan tâm đến ROP?

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2010:

  • Thế giới có 13 triệu trẻ sinh non sống trong đó có khoảng 184.700 trẻ bị ROP.
  • Trung bình,cứ mỗi 10 trẻ sinh non thì sẽ có 1 trẻ mắc ROP; trong đó có 20.000 trẻ bị mù loà hoặc thị lực bị ảnh hưởng do ROP.
  • Ở hầu hết trẻ mắc bệnh, ROP sẽ dần thay đổi và giảm bệnh dần một cách tự nhiên. Tuy nhiên, một số trẻ bị ROP có thể dẫn đến xuất huyết, sẹo võng mạc, bong võng mạc và mất thị lực.
  • Ngoài ra trẻ còn tăng nguy cơ mắc một số bất thường khác về mắt như cận thị, lé, và/hoặc bong võng mạc trong tương lai.
  • ROP đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc.Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 14.000 trẻ sinh non bị ROP cần điều trị với gần 400-600 trẻ nhũ nhi mù lòa do ROP.
  1. Những trẻ nào dễ bị bệnh? Tại sao trẻ đẻ non lại dễ bị bệnh này?
  • Những trẻ sinh càng non, càng nhẹ cân và càng ốm yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng.
  • Thường gặp trẻ đẻ noncó cân nặng khi sinh dưới 1800 g.
  • Tuổi thai khi sinh ≤ 33 tuần.

Trẻ sinh non dễ bị bệnh này vì:

  • Võng mạc của mắt hình thành vào tuần thứ 16 thường kết thúc tuần 40. Hệ thống mạch máu này cung cấp dưỡng chất và Oxy phát triển toàn bộ bề mặt của lớp trong cùng phía sau của mắt. Ở trẻ đẻ non quá trình này chưa hoàn thành.
  • Sau sinh nếu các mạch máu phát triển bất thường trẻ sẽ mắc bệnh.
  1. Phải làm thế nào để biết cháu bé bị bệnh?
  • ROPkhi đã biểu hiện ra bên ngoài là đã ở vào giai đoạn quá muộn. Khi bệnh ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được.
  • Bác sỹ chuyên khoa mắt sẽ có dụng cụ, máy chuyên dụng để khám đáy mắt của cháu bé và phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm.
  1. Nếu không khám ROP trẻ sinh non sẽ có những nguy cơ gì?

Cận thị

  • Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất có liên quan đến ROP. Bản thân sinh non cũng là một yếu tố rủi ro cho sự phát triển cận thị.
  • Thêm vào đó, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý ROP và tổn thương cấu trúc góp phần vào sự phát triển cận thị ở bệnh nhân ROP.
  • Các nghiên cứu cho thấy có tỷ lệ 90,7 % trường hợp được chẩn đoán cận thị mặc dù ROP đã thoái triển.

Mù loà, bong võng mạc do ROP

  • Mù lòa do ROP ở Ấn Độ đang gia tăng do số trường hợp sinh non cao nhất trên thế giới (3.519.100 trẻ ).
  • Một số lượng lớn trẻ vẫn đến muộn với tình trạng mù 2 mắt, không thể hồi phục do không được khám sàng lọc hay sàng lọc muộn.
  • Trong một nghiên cứu tại Ấn Độ, 86,4% trẻ sơ sinh mắc ROP bong võng mạc toàn bộ chưa được khám sàng lọc.

Các biến chứng khác ảnh hưởng lên thị lực của trẻ

  • Ngoài những ảnh hưởng nặng nề trên, trẻ mắc ROP còn có nguy cơ bị các biến chứng khác như lé, nhược thị, đục thuỷ tinh thể…

6. Khi nào cháu bé cần khám mắt để phát hiện bệnh, số lần khám, khám đến bao giờ?

  • Lần khám mắt đầu tiên khi trẻ được 3 – 4 tuần sau sinh, hoặc trẻ ≥ 31 tuần tuổi.
  • Ngay khi cháu còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi cháu đã được về nhà.
  • Khám lại 2 tuần một lần cho tới khi bé được 40 – 42 tuần tuổi (tính từ ngày thụ thai).
  • Hoặc tới khi các mạch máu ở võng mạc phát triển một cách đầy đủ.

***Giai đoạn nặng hơn thì cháu bé có thể sẽ phải được khám lại sau 1 tuần thậm chí sau 2 – 3 ngày, có khi cần phải điều trị ngay.

  1. Cách nào phòng cho trẻ không bị bệnh?

– Quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị đẻ non.

– Khi đã bị đẻ non, cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho bé.

– Không chủ quan khi thấy mắt bé bề ngoài có vẻ bình thường.

 

Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại nhiều trẻ sinh non với tuổi thai cân nặng thấp được cứu sống nên lượng trẻ đẻ non cần khám sàng lọc mắt ngày càng nhiều. Bệnh viện Sản Nhi An Giang triển khai khám sàng lọc bệnh võng mạc cho trẻ đẻ non tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 vào giờ hành chính. Trẻ đẻ non cần được tra mắt giãn đồng tử trước 1 tiếng mới khám được nên các bố mẹ nên đưa trẻ đến khám từ đầu giờ sáng hoặc đầu giờ chiều”.

Liên hệ Bệnh viện Sản Nhi An Giang – Số 2 Lê Lợi – Mỹ Bình – Long Xuyên – An Giang. (: 02963 924 246. Địa chỉ mail: sannhiag@gmail.com

Nguồn: https://www.childrenshospital.org/conditions/retinopathy-prematurity-rop

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •