Giới thiệu
Ngạt chu sinh là tình trạng thiếu lưu lượng máu hoặc giảm trao đổi khí đến thai nhi trong giai đoạn trước, trong hoặc sau khi sinh. Ngạt chu sinh có thể dẫn đến các di chứng toàn thân và thần kinh nặng nề do giảm lưu lượng máu và/hoặc oxy cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh trong thời kỳ chu sinh. Khi sự trao đổi khí ở nhau thai (trước khi sinh) hoặc ở phổi (ngay sau khi sinh) bị tổn hại hoặc gián đoạn, các cơ quan quan trọng sẽ bị thiếu oxy một phần (hypoxia) hoặc toàn bộ (anoxia). Điều này dẫn đến tình trạng giảm oxy máu và tăng CO2 máu tiến triển. Nếu tình trạng giảm oxy máu nghiêm trọng, các mô và cơ quan quan trọng (cơ, gan, tim và cuối cùng là não) sẽ xảy ra tình trạng thiếu oxy. Quá trình đường phân kỵ khí và nhiễm axit lactic sẽ diễn ra. Bệnh não thiếu máu cục bộ – thiếu oxy ở trẻ sơ sinh đề cập cụ thể đến các di chứng thần kinh của ngạt chu sinh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh não thiếu máu cục bộ – thiếu oxy ở trẻ sơ sinh như sau:
Nhiễm toan chuyển hóa với pH <7,0 (cuống rốn hoặc mẫu máu bất kỳ).
Kiềm thiếu -12.
Điểm APGAR = 5 sau 10 phút hồi sức liên tục.
Có biểu hiện suy đa cơ quan.
Có bằng chứng lâm sàng của bệnh não: giảm trương lực, vận động cơ hoặc đồng tử bất thường, bú yếu hoặc không bú, ngừng thở, thở nhanh, hoặc co giật trên lâm sàng.
Các biểu hiện về thần kinh không thể được giải thích do nguyên nhân khác (bệnh chuyển hóa bẩm sinh, rối loạn di truyền, rối loạn thần kinh bẩm sinh, tác dụng của thuốc).
Nguyên nhân
Ngạt chu sinh có thể xảy ra do rối loạn huyết động của mẹ (thuyên tắc ối), tình trạng của tử cung (vỡ tử cung), hoặc nhau và dây rốn (nhau bong non, dây rốn thắt nút hoặc chèn ép dây rốn) và nhiễm trùng. Ngạt có thể xảy ra trước khi sinh hoặc có thể xảy ra ngay sau khi sinh ở một bệnh nhi nặng cần hồi sức.
Đa số các trường hợp ngạt chu sinh xảy ra trong khi sinh, mặc dù 20% xảy ra trước sinh và các trường hợp khác xảy ra ở thời kỳ đầu sau sinh. Ngạt chu sinh có thể xảy ra do các biến cố ở mẹ (băng huyết, thuyên tắc nước ối; suy tuần hoàn), biến cố của bánh nhau (bong nhau cấp tính), biến cố tử cung (vỡ), biến cố dây rốn (dây rốn thắt chặt, sa / thắt dây rốn) và nhiễm trùng (mẹ sốt trong lúc sinh). Cần phải khai thác tiền sử sản khoa và chu sinh cẩn thận để xác định căn nguyên.
Dịch tễ
Tỷ lệ ngạt chu sinh là 2/1000 ca sinh ở các nước phát triển, nhưng tỷ lệ này cao hơn tới 10 lần ở các nước đang phát triển, những nơi có thể bị hạn chế về khả năng tiếp cận chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong số những trẻ bị ảnh hưởng, 15-20% tử vong trong giai đoạn sơ sinh, và tới 25% trẻ sống sót bị di chứng thần kinh vĩnh viễn.
Sinh lý bệnh
Có ba giai đoạn dẫn đến tổn thương não trong bệnh não thiếu máu cục bộ – thiếu oxy. Đầu tiên, một tổn thương nguyên phát ở tế bào thần kinh ngay lập tức xảy ra do sự gián đoạn oxy và glucose đến não. Điều này làm giảm ATP và dẫn đến hỏng bơm NaK phụ thuộc ATP. Natri đi vào tế bào kéo theo nước, gây phù tế bào, khử cực trên diện rộng và chết tế bào. Sự chết và ly giải tế bào gây ra sự giải phóng glutamate, một axit amin kích thích, gây ra sự gia tăng canxi nội bào và làm chết thêm nhiều tế bào.
Sau tổn thương nguyên phát là khoảng thời gian tiềm ẩn khoảng 6 giờ, khi đó quá trình tái tưới máu diễn ra và một số tế bào được hồi phục.
Tổn thương muộn thứ phát ở tế bào thần kinh xảy ra trong 24-48 giờ tiếp theo do tái tưới máu dẫn đến lưu lượng máu đến và đi từ các khu vực bị tổn thương, lan truyền chất dẫn truyền thần kinh độc hại và mở rộng vùng não bị ảnh hưởng.
Bs Trần Ngọc Phước
Tài liệu tham khảo
Maria Gillan- Krakauer (2022), Birth Asphyxia, StatPearls, NCBI Bookshelf