- Rối loạn ăn uống là gì?
Rối loạn ăn uống là tình trạng nghiêm trọng có liên quan hành vi ăn uống cùng với việc lo lắng quá mức về trọng lượng cơ thể, làm suy giảm sức khỏe thể chất hoặc chức năng tâm lý xã hội. Để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao liên quan đến chứng rối loạn ăn uống, tình trạng này cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Nguyên nhân
- Yếu tố sinh học:
– Yếu tố gene: Có 50% nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống nếu một trong hai trẻ song sinh mắc bệnh này.
– Yếu tố sinh học: Serotonin đóng một vai trò quan trọng trong sự thèm ăn và điều chỉnh tâm trạng.
- Yếu tố tâm lý: Cầu toàn, bốc đồng, thích sự mới lạ, ám ảnh cưỡng chế, tránh tác hại và loạn thần kinh là những đặc điểm tính cách phổ biến thường liên quan đến chứng rối loạn ăn uống.
- Các yếu tố phát triển: Sự xáo trộn sớm trong quá trình phát triển thời thơ ấu, như lạm dụng tình dục thời thơ ấu gây ra nguy cơ đáng kể trong việc phát triển chứng rối loạn ăn uống.
- Các yếu tố văn hóa xã hội: Văn hóa ưa thích gầy, tiếp xúc với văn hóa phương Tây coi trọng thân hình mảnh mai của phụ nữ.
- Dịch tễ học
Tỉ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống khoảng 1/8 thanh niên ở độ tuổi 20. Khoảng 5 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn ăn uống mỗi năm. Mặc dù rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và cả nam lẫn nữ, chúng thường được báo cáo nhiều ở thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.
- Bệnh sử và biểu hiện lâm sàng
- Chán ăn tâm thần (Anorexia nervosa): các biểu hiện thường gặp là
Cực kỳ nhẹ cân; sợ tăng cân; cảm thấy cơ thể bị bóp méo, phủ nhận rằng mình đang thiếu cân; liên tục có các hành vi nhằm tránh tăng cân, mặc dù nhẹ cân; cực kỳ bận tâm về thức ăn và cân nặng.
- Háu ăn tâm thần (Bulimia nervosa):
Ăn một lượng thực phẩm đáng kể trong một thời gian ngắn; mất kiểm soát khi ăn uống vô độ; ăn uống vô độ được theo sau bởi hành vi bù đắp để ngăn ngừa tăng cân như ép buộc nôn mửa, sử dụng thuốc nhuận tràng / thuốc lợi tiểu, hạn chế ăn uống hoặc tập thể dục quá mức; sợ tăng cân mặc dù cân nặng ở mức bình thường.
- Chứng ăn uống vô độ (Binge-eating disorder):
Ăn một lượng thực phẩm đáng kể trong một thời gian ngắn; mất kiểm soát khi ăn uống vô độ; cảm thấy tội lỗi khi ăn uống vô độ, không có hành vi bù đắp để ngăn ngừa tăng cân.
Ngoài các bệnh lý phổ biến kể trên, còn có một số rối loạn ăn uống khác như: Rối loạn hấp thu thực phẩm do hạn chế (Avoidant or Restrictive Food Intake Disorder – ARFID); Hội chứng ăn bậy (Pica); Rối loạn nhai lại (Rumination Disorder).
- Đánh giá bệnh
- Bệnh sử tổng quát: Thói quen ăn uống, nhận thức về hình ảnh cơ thể, trọng lượng thực tế, trọng lượng mong muốn, sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc ăn kiêng, thuốc lợi tiểu hoặc thuốc gây nôn, tiền sử kinh nguyệt.
- Bệnh sử về tâm thần: Đánh giá lạm dụng chất kích thích, tâm trạng, lo lắng, rối loạn nhân cách, tính tự mãn.
- Tiền sử dùng thuốc và tiền sử gia đình.
- Khám lâm sàng: khám toàn diện, kiểm tra tâm thần,trạng thái tâm thần, mức độ muốn tự tử, tình trạng nhận thức.
- Xét nghiệm: Công thức máu, điện giải đồ, xét nghiệm chức năng thận và gan, Canxi, magie, photphat, Cholesterol, lipid, amylase, chức năng tuyến giáp, phân tích nước tiểu, điện tâm đồ, X quang ngực.
- Điều trị
- Tâm lý trị liệu:
– Liệu pháp Hành vi Nhận thức Nâng cao (CBT-E) là phương pháp điều trị hàng đầu cho tất cả các chứng rối loạn ăn uống.
– Điều trị dựa vào gia đình (FBT) là phương thức hứa hẹn nhất trong việc kiểm soát chứng biếng ăn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên.
- Thuốc:
– Fluoxetine là loại thuốc duy nhất được FDA chấp thuận được sử dụng để điều trị chứng Háu ăn tâm thần và Chứng ăn uống vô độ.
– Thuốc chống trầm cảm, bao gồm fluoxetine, có rất ít vai trò trong chứng chán ăn tâm thần, ngoại trừ trường hợp có chứng trầm cảm nặng cùng tồn tại.
- Liệu pháp dinh dưỡng:
Dinh dưỡng qua sonde dạ dày được ưu tiên hơn so với các dinh dưỡng qua đường tiêu hóa khác hoặc đường tĩnh mạch khi không thể cho ăn bằng miệng. Dinh dưỡng toàn phần qua đường tĩnh mạch được dành cho những trường hợp rối loạn chức năng tiêu hóa đáng kể.
- Chăm sóc:
Sau khi bệnh nhân khỏi chứng rối loạn ăn uống và thấy họ tăng cân, họ có thể gặp phải tình trạng lo âu và các triệu chứng trầm cảm trở lại và bỏ chương trình điều trị. Liệu pháp tâm lý giúp duy trì sự thuyên giảm.
Tiên lượng:
Tiên lượng cho những người bị rối loạn ăn uống rất khác nhau. Một thách thức lớn trong kết quả điều trị ở những người bị rối loạn ăn uống là sự chậm trễ trong việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe do trình độ dân trí về sức khỏe thấp, sự kỳ thị, khả năng chi trả kém và khả năng tiếp cận liệu pháp tâm lý kém.
Biến chứng
- Biến chứng cấp:
– Tim mạch: nhịp tim chậm, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, tràn dịch màng ngoài tim, suy tim, xơ hóa cơ tim và phù phổi.
– Huyết học: thiếu máu, suy giảm khả năng miễn dịch.
– Suy giảm nhận thức với trí nhớ và suy giảm khả năng tập trung.
- Biến chứng mạn: Tăng trưởng và phát triển có thể bị chậm lại. Nếu phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống mà mang thai thì tỷ lệ tai biến sản khoa càng cao.
- Bệnh tâm thần: Rối loạn lo âu, trầm cảm với ý nghĩ tự tử,.v.v.
- Hội chứng nuôi ăn lại (refeeding syndrome): là những thay đổi về mặt lâm sàng và chuyển hóa phát sinh từ quá trình phục hồi dinh dưỡng tích cực của một bệnh nhân suy dinh dưỡng.
Giáo dục bệnh nhân
Khi một người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống, điều quan trọng là phải giáo dục bệnh nhân và gia đình về diễn biến, tiên lượng và xử trí chứng rối loạn ăn uống. Các thành viên gia đình như cha mẹ phải luôn được bao gồm trong quá trình quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch bữa ăn hoặc thiết lập giới hạn, đặc biệt hữu ích trong khi quản lý trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Nâng cao hiệu quả của Nhóm chăm sóc sức khỏe
Nỗ lực phối hợp giữa các nhóm chuyên gia bao gồm bác sĩ lâm sàng, bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần, y tá, bác sĩ thể chất, bác sĩ trị liệu nghề nghiệp, dược sĩ và nhân viên xã hội giúp tăng cường chăm sóc bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống. Điều trị sớm và can thiệp đa mô thức tích cực làm tăng cơ hội thành công và giảm khả năng tái phát
Tài liệu tham khảo: Palanikumar Balasundaram (2022), Eating Disorders. ncbi.nlm.nih.gov/books/
Bs Trần Ngọc Phước