BSCKI Trần Thị Ngọc Hoà
Khoa YHCT-PHCN
- Đột quỵ là gì:
Đột quỵ là sự cố đột ngột gây nguy hiểm của hệ tuần hoàn, làm ngưng cung cấp oxy cho tế bào não
Đột quỵ được chia làm hai loại chính:
- Đột quỵ thiếu máu não do tắc nghẽn máu não (Nhồi máu não) chiếm khoảng 80%.
- Đột quỵ chảy máu não do vỡ mạch máu não (Xuất huyết não) chiếm khoảng 20%.
Đột quỵ là loại bệnh lý thường gặp, thường xảy ra ở người trên 45 tuổi trong đó 2/3 xảy ra ở tuổi trên 65, nam thường bị nhiều hơn nữ. Đột quỵ có thể gây tử vong nhanh, có tỷ lệ tử vong cao, là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu.
- Các nguy cơ dẫn đến đột quỵ là gì?
Tăng huyết áp (THA) là nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ
Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực lên thành mạch dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu, những mãng xơ vữa góp phần hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông trôi lên não dẫn đến tắc mạch máu não gây ra nhồi máu não. Ngoài ra THA làm tăng áp lực lên thành mạch, khi gia tăng quá mức, thành mạch máu sẽ bị vỡ gây ra xuất huyết não.
Các bệnh liên quan đến tim mạch là nguy cơ thứ hai dẫn đến đột quỵ
Các bệnh lý dẫn đến tình trạng co bóp bất thường của tim, lâu ngày chúng dễ hình thành cục máu đông, khi cục máu đông thoát ra khỏi buồng tim, chúng có thể di chuyển đến não làm tắc nghẽn mạch máu não, gây độ quỵ nhồi máu não.
Đái tháo đường là nguy cơ thứ ba dẫn đến đột quỵ
Theo nghiên cứu thì người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2-4 lần người bình thường.
Mỡ máu cao (cholesterol cao)
Mỡ máu cao gây ra mãng xơ cứng bám vào các mạch máu, lâu dài sẽ gây hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu não.Ngoài ra, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, người thường xuyên căng thẳng, stress cũng có nguy cơ mắc đột nguy hơn người bình thường.
Các nguy cơ không thể thay đổi: tuổi tác, giới tính (nam nhiều hơn nữ), có tiền căn gia đình, người đã từng bị đột quỵ.
- Làm thế nào để biết một người bị đột quỵ?
Đột quỵ xảy ra nhanh và bất ngờ nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết như sau:
- Miệng méo lệch sang một bên, liệt mặt (khi cười sẽ nhìn rõ)
- Đột ngột bị tê yếu chân tay hoặc liệt chân tay (hãy bảo người bệnh đưa tay/chân lên)
- Đột ngột bị khó nói, nói ú ớ không rõ lời (hãy bảo người bệnh nói một vài từ)
- Khi phát hiện một người có các dấu hiệu trên, hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ ở y tế có phương tiện cấp cứu đột quỵ
- Phục hồi chức năng cho người bị đột quỵ như thế nào?
Giai đoạn đầu (liệt mềm)
- Các kỹ thuật vị thế: Đặt tư thế đúng trên giường (nằm ngửa, nằm nghiêng sang bên lành nhiều hơn bên liệt), tư thế đúng khi ngồi trên giường, trên ghế hoặc xe lăn…
- Vận động trị liệu: Tập vận động thụ động các khớp bên liệt (kỹ thuật viên hoặc người thân tập cho bệnh nhân)
- Khớp vai: Gấp, duỗi, dạng, khép, xoay trong, xoay ngoài;
- Khớp khuỷu: Gấp, duỗi khuỷu, quay sấp, xoay ngửa cẳng tay;
- Khớp cổ tay: Gấp, duỗi, nghiêng trong, nghiêng ngoài khớp cổ tay;
- Các ngón tay: Gấp, duỗi, dạng, khép các ngón tay;
- Khớp háng: Gấp, duỗi, dạng, khép, xoay trong , xoay ngoài;
- Khớp gối: Gấp, duỗi;
- Khớp cổ chân: Gấp, duỗi;
- Các ngón chân: Gấp, duỗi, dạng, khép.
- Ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, tâm lý tị liệu.
Giai đoạn sau (Liệt cứng)
- Vận động trị liệu: tập vận động có trợ giúp (người bệnh thực hiện động tác, kỹ thuật viên hoặc người thân hỗ trợ)
- Tập vận động ở các tư thế nằm, ngồi, đứng, đi, tập dáng đi;
- Tập thăng bằng (các tư thế ngồi, đứng, đi);
- Tập vận động với các dụng cụ trợ giúp: máng, nẹp, nạng, gậy, khung tập đi,…
- Hoạt động trị liệu: Tập thực hiện các hoạt động tự chăm sóc, tập bắt buộc sử dụng tay liệt.
- Ngôn ngữ trị liệu: Tập nói, giao tiếp (với những bệnh nhân thất ngôn).
- Tâm lí trị liệu.
- Vật lí trị liệu: Nhiệt, điện trị liệu, …
Giai đoạn hoà nhập cộng đồng
- Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình phòng ngừa di chứng và tai biến tái phát.
- Cải tạo nhà ở và môi trường xung quanh cho phù hợp với bệnh nhân.
- Các trợ giúp cần thiết cho giai đoạn này: trợ giúp đi lại, trợ giúp sinh hoạt, trợ giúp làm việc. Tham gia các hoạt động hoà nhập cộng đồng.
- Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình về tâm lý sau tai biến: Chấp nhận những chức năng không thể phục hồi, người bệnh trở thành người khuyết tật.
- Việc làm và thu nhập: khả năng tiếp tục nghề cũ, hoặc bệnh nhân phải học một nghề mới hoặc có những hoạt động tạo thu nhập.
- Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ:
- Thay đổi lối sống, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc, không uống rượu bia.
- Ăn uống điều độ: ăn đầy đủ bốn nhóm thức ăn. Bột đường, dầu mỡ, đạm và vitamin.
- Nhóm bột đường: Ăn vừa đủ để duy trì hoạt động cơ thể, ăn ít đường và hạn chế đồ đóng hộp;
- Chất đạm: Ăn vừa phải thịt, duy trì ăn cá ít nhất 2 lần/tuần;
- Nhóm dầu mỡ: hạn chế chất béo, nên ăn chất béo thực vật, hạn chế chất béo động vật;
- Vitamin và khoáng chất: nên bổ sung các loại rau củ, trái cây ít ngọt. Giảm muối, việc ăn quá mặn sẽ làm tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
- Kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý. Với một người thừa cân, béo phì nguy cơ đột quỵ tăng lên 40%. Nên duy trì chỉ số BMI từ 18 – 24 (chỉ số BMI = Cân nặng : (chiều cao)2
- Tăng cường vận động thể lực, thể dục thể thao. Duy trì mỗi lần tập 30 phút, 5 ngày mỗi tuần, tập theo khả năng của bản thân, hạn chế gắng sức. Lựa chọn môn tập phù hợp.
- Sống vui vẻ tránh căng thẳng.
- Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp./.
Tài liệu tham khảo:
BYT (2014) Quyết định số 1309/QĐ-BYT ngày 19 tháng 8 năm 2014 Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành Phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng liệt nữa người do tai biến mạch máu não trang 291”
TS.BS Trần Chí Cường (2024) Cẩm nang sức khoẻ phòng chống đột quỵ. Nhà xuất bản thế giới.