PHÒNG NGỪA SÂU RĂNG Ở TRẺ EM

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Răng sữa còn gọi là răng trẻ em, là những chiếc răng mọc đầu tiên trong giai đoạn từ 04-24 tháng tuổi, lớn lên sẽ được thay bằng răng vĩnh viễn. Nhiều phụ huynh tưởng rằng răng sữa không quan trọng, nên ít quan tâm chăm sóc.

Ảnh: răng sữa (nguồn internet)

Mặc dù răng sữa chỉ mọc và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn nhưng chúng đóng vai trò rất quan trọng:

  • Trẻ cần có hàm răng sữa chắc khỏe để cắn, nhai, nghiền nát thức ăn, giúp việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
  • Hỗ trợ trẻ phát âm, thẩm mỹ (giúp trẻ có nụ cười ưa nhìn).
  • Giữ khoảng trên cung hàm cho răng vĩnh viễn tương ứng mọc lên.
  • Kích thích sự phát triển của xương hàm: nhờ vào cử động nhai.

Do đó, việc mất răng sữa sớm trước độ tuổi thay răng sẽ gây ra nhiều hậu quả:

  • Làm giảm khả năng ăn nhai của trẻ.
  • Răng cửa sữa bị mất sớm sẽ gây khó khăn khi trẻ tập phát âm, quá trình học phát âm của trẻ bị chậm hoặc bị lệch âm.
  • Làm chậm mọc răng vĩnh viễn; thay đổi thứ tự mọc gây ra răng mọc xoay,kẹt.
  • Ảnh hưởng xấu đến khớp cắn và sự sắp xếp các răng vĩnh viễn trên hàm. Làm chậm sự phát triển của xương hàm dưới, dẫn đến sự sai biệt trong kích thước (cằm lẹm), thiếu sự ăn khớp tốt giữa hàm trên và dưới.

Có nhiều nguyên nhân gây mất răng sữa sớm, có thể do:

  • Yếu tố toàn thân: rối loạn chuyển hóa, thiếu hụt vitamin D, các bệnh về nội tiết, u vùng hàm mặt…
  • Nguyên nhân tại chỗ do: chấn thương, sâu răng.

Tỷ lệ sâu răng trẻ em ở nước ta còn cao, việc điều trị sâu răng cho trẻ chưa kịp thời. Sâu răng được xem là bệnh nhiễm trùng  phổ biến, khởi phát khi các răng vừa mọc, xuất hiện trên mặt láng của răng, tiến triển nhanh và gây tổn hại cho sự toàn vẹn của răng. Sâu răng xuất hiện nhiều ở những trẻ ăn uống chất ngọt và ít quan tâm việc chăm sóc vệ sinh răng.

Ảnh: răng sâu ở trẻ (nguồn internet)

Mutans streptococci (MS) là vi khuẩn chính gây bệnh sâu răng. Vi khuẩn này có nhiều trong nước bọt, trên bề mặt răng, mặt lưỡi, trong khoang miệng, mà những yếu tố như: tình trạng vệ sinh răng miệng, bệnh nha chu, thói quen ăn vặt … liên quan đến khả năng vi khuẩn MS sinh acid chuyển hóa đường glucose thành acid lactic làm mất can-xi của răng gây sâu răng.

Vi khuẩn MS có thể từ mẹ hoặc người nuôi trực tiếp lây truyền sang cho trẻ; lây nhiễm giữa các trẻ sinh hoạt chung trong gia đình, nhà giữ trẻ, …

Sâu răng là 1 bệnh có thể phòng ngừa. Do đó, để phòng ngừa sâu răng, cần phải:

  • Đối với cha mẹ:
    • Vệ sinh răng miệng: thường xuyên chải răng, dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng, súc họng miệng.
    • Trám răng: nhằm giảm hốc kẽ bề mặt dính thức ăn, nguồn lây nhiễm MS.
    • Tránh các việc chăm sóc tiếp xúc với nước bọt như bú mớm, cho trẻ dùng chung những vật có thể lây truyền qua miệng như chén, muỗng, đồ chơi…
    • Khuyến khích nhai kẹo có xylitol: giúp làm sạch răng miệng.
    • Ngưng bú bình khi trẻ được 01 tuổi, chuyển qua uống sữa bằng cốc (ly).
  • Cho trẻ:
    • Vệ sinh răng miệng ngay khi răng mọc đầu tiên: bằng gạc, bàn chải lông mềm. Trẻ lớn nên chải răng với kem có fluor 2 lần/ngày. Dùng chỉ nha khoa nếu chải răng không đủ làm sạch.
    • Phụ huynh giám sát và giúp bé chải răng kỹ trong khoảng 2 phút mỗi lần, ít nhất 2 lần mỗi ngày, cho đến khi trẻ tự biết cách chải răng. Tạo cho bé có thói quen tốt, đảm bảo vệ sinh răng miệng. Đây là việc quan trọng để tránh được sâu răng ở trẻ em.

Ảnh: 08 bước chảy răng đúng cách (nguồn internet)

  • Chế độ ăn:

Nguy cơ sâu răng từ khi trẻ mọc răng và trong suốt thời gian sau đó. Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến răng. Tinh bột, đường (bánh ngọt, kẹo sữa, các loại thực phẩm thức uống có đường) tồn tại trên răng là nguyên nhân chính gây sâu răng. Cần làm sạch răng miệng sau khi ăn và cho uống nước lọc trước khi trẻ ngủ.

   * Chăm sóc răng cần luôn được duy trì thường xuyên và liên tục. Sớm đưa trẻ đến khám nha khi có dấu hiệu sâu răng để được chăm sóc và hướng dẫn.

           BS.CKI. Ngô Tiếu Hằng- Liên Chuyên Khoa- BV Sản Nhi AG

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •