Bs. Trần Phú Quý
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Bệnh xảy ra quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie A6, A10, A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tự khỏi chiếm khoảng trên 90% trường hợp. Số còn lại trẻ mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó khi bố mẹ chăm sóc trẻ bệnh cần theo dõi kĩ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng. Khi đó, bố mẹ cần mang ngay trẻ đến bệnh viện vì thời gian giữ lại mạng sống cho trẻ khi có biến chứng lên não là khoảng 6 – 12 tiếng.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Khoảng 90% bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại nhà. Bố mẹ cần không cho trẻ đi học, không đến chỗ đông người trong 10 ngày. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống thuốc hạ sốt và bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao. Vì vậy, thường xuyên theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất là rất quan trọng.
Bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh. Ăn uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch là 3 biện pháp cần thực hiện để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ.
– Ăn uống sạch: Thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.
– Ở sạch: Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Vì vậy, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Bàn tay sạch: Trẻ và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y Tế (2024), Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng (Ban hành kèm theo Quyết định số 292/QĐ-BYT ngày 06/02/2024).
- Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Thực hiện 3 sạch để phòng bệnh tay chân miệng.