PHÁ THAI AN TOÀN

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  1. Thế nào là phá thai an toàn?

Phá thai an toàn là phương pháp chấm dứt thai nghén do người cung cấp dịch vụ được đào tạo, có kỹ năng tốt thực hiện tại cơ sở y tế đạt chuẩn với đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ trong môi trường vệ sinh đảm bảo. Phá thai an toàn sẽ hạn chế được tối đa các tai biến và biến chứng.

 

  1. Các phương pháp phá thai an toàn

Có 2 phương pháp:

2.1 Phá thai nội khoa

Là các phương pháp chấm dứt thai kỳ bằng thuốc Mifepristone và Misoprotol. Phương pháp này thuận tiện, riêng tư, ít xâm lấn. Tuy nhiên, nếu phương pháp thất bại cần phải phá thai ngoại khoa. 

Có thể áp dụng phương pháp này đối với các tuổi thai từ khi phát hiện thai trong tử cung đến hết 22 tuần vô kinh. Tùy theo từng tuổi thai, thời gian từ nhà đến cơ sở y tế, sẽ có các phác đồ khác nhau: liều lượng thuốc dùng và đường dùng khác nhau, và cách theo dõi khác nhau (có thể theo dõi tại nhà, tại phòng khám hay phải nhập viện theo dõi).

Lưu ý: Theo quy định của Bộ Y tế, phương pháp phá thai bằng thuốc phải do bác sĩ đã được đào tạo thực hiện và chỉ định thực hiện ở tuyến tỉnh. Bạn không được tự ý mua thuốc và sử dụng.

2.2 Phá thai ngoại khoa

Phá thai ngọai khoa là dùng các thủ thuật đưa dụng cụ qua cổ tử cung để chấm dứt thai kỳ, bao gồm hút chân không và nong gắp thai.

Tùy theo tuổi thai sẽ có phương pháp thủ thuật khác nhau:

– Thai từ 6 đến hết 12 tuần tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng: thủ thuật hút thai chân không bằng tay hoặc bằng máy, thai trong buồng tử cung được hút ra ngoài thông qua ống hút vào một bơm hút.

Thai từ 13 tuần đến hết 18 tuần tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng: thủ thuật nong – gắp thai, đây là thủ thuật dùng cả thuốc và dụng cụ để đình chỉ thai nghén.

Tuổi thai càng lớn thì thủ thuật càng khó hơn.

 

  1. Những điều bạn cần làm sau khi phá thai

– Uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của nhân viên y tế.

– Vệ sinh, tắm rửa bình thường.

– Thay băng vệ sinh thường xuyên cho đến khi hết ra máu.

– Không thụt rửa sâu âm đạo.

– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhất là thức ăn chứa nhiều chất sắt và bổ dưỡng như thịt bò, trứng, sữa và các loại rau xanh…

– Tránh lao động nặng trong vài tuần đầu sau phá thai.

– Sử dụng biện pháp tránh thai theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

– Tái khám sau 2 tuần phá thai tại các cơ sở y tế.

  1. Dấu hiệu bất thường có thể sảy ra sau phá thai bạn cần biết

Sau phá thai bạn cũng sẽ gặp một vài dấu hiệu bình thường như:

  • Ra máu như hành kinh trong vòng 10 ngày hoặc có thể sẽ kéo dài hơn
  • Đau bụng do cơn co tử cung trong vài ngày đầu sau đó sẽ giảm.
  • Buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy: thường sẽ tự hết
  • Một số bạn có thể bị sốt trong vài giờ, đôi khi kèm ớn lạnh. Triệu chứng này không nguy hiểm và sẽ nhanh chóng qua đi.

Bạn nên quay lại cơ sở y tế để khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng ngày càng tăng hơn.
  • Ra máu nhiều (ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong 2 giờ liên tiếp) hoặc kéo dài trên một tuần và lượng máu không ít đi.
  • Sốt hoặc ớn lạnh kéo dài
  • Khí hư có mùi hôi.

Ngay cả khi phá thai an toàn, các biến chứng vẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của phụ nữ. Do đó, phụ nữ cần lựa chon cho mình một biện pháp ngừa thai thích hợp, hiệu quả nếu chưa muốn có thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.

BsCKI Nguyễn Thị Ngọc Huyền

Tài liệu tham khảo:

  1. Phá thai an toàn, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế – 2016.
  2. https://www.tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/ke-hoach-gia-dinh/dinh-chi-thai-nghen/the-nao-la-pha-thai-an-toan/

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •