BS. Đào Thành Trung
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Vết nứt xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh, thậm chí có khả năng tái phát nhiều lần. Do đó, để hạn chế tối đa biến chứng nghiêm trọng, việc theo dõi, phát hiện sớm nhằm điều trị kịp thời là thực sự cần thiết.
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng vị trí này xuất hiện một vết rách trên lớp niêm mạc, làm lộ cơ xung quanh dẫn đến co thắt, về lâu dài kéo các mép vết nứt ra rộng hơn. Tổn thương thường xuất hiện khi người bệnh bị táo bón, đi đại tiện kèm phân cứng, kích thước lớn, gây đau và chảy máu.
Bệnh nứt kẽ hậu môn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong đó phổ biến nhất là trẻ nhỏ. Hầu hết các vết rách đều có xu hướng thuyên giảm khi áp dụng các phương pháp điều trị đơn giản. Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng có thể phải dùng thuốc hoặc thậm chí là phẫu thuật.
1 Phân loại:
- Nứt hậu môn cấp tính: Vết nứt nông, có kích thước nhỏ, dấu hiệu viêm nề nhẹ, các triệu chứng không kéo dài quá 6 tuần. Khi bị nứt hậu môn cấp tính, người bệnh có cảm giác đau rát, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu bệnh ở giai đoạn này không được điều trị dứt điểm sẽ rất dễ chuyển sang mạn tính.
- Nứt hậu môn mạn tính: Tình trạng này xảy ra khi vết nứt xuất hiện và kéo dài hơn 6 tuần, kích thước rộng và sâu hơn. Các cơn đau thắt khó chịu tái đi tái lại nhiều lần khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi.
2 Nguyên nhân:
2.1 Do chấn thương ở ống hậu môn:
Táo bón mãn tính
Phân có kích thước lớn, cứng và khô, khiến đại tiện gặp khó khăn.
Tiêu chảy kéo dài.
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn dẫn đến căng da hậu môn.
Đưa vật lạ vào hậu môn.
2.2 Nguyên nhân khác ngoài chấn thương:
Cơ thắt hậu môn ở trong trạng thái co cứng hoặc quá căng hoặc co cứng.
Sẹo xuất hiện ở vùng hậu môn trực tràng (thường gặp sau điều trị trĩ).
Các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, ung thư hậu môn, bệnh bạch cầu, bệnh truyền nhiễm (chẳng hạn như bệnh lao), các bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, lậu, Chlamydia, HIV…).
Giảm lưu lượng máu đến vùng hậu môn trực tràng.
Sinh con.
3 Các yếu tố nguy cơ:
Tuổi tác: Nứt kẽ hậu môn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ nhỏ và người trưởng thành trong giai đoạn từ 20 – 40 tuổi.(2)
Táo bón: Đi đại tiện phân khô cứng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gây rách hậu môn.
Phụ nữ sau khi sinh.
Người mắc bệnh Crohn: Bệnh Crohn gây ra tình trạng viêm đường ruột mạn tính, làm cho niêm mạc của ống hậu môn dễ bị rách.
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
4 Triệu chứng nứt kẽ hậu môn
Vùng da xung quanh hậu môn xuất hiện vết rách có thể dễ dàng nhìn thấy.
Vùng hậu môn bị đau nhói khi đi đại tiện, cơn đau có thể kéo dài vài phút đến cả ngày.
Cục phân đầu tiên luôn cứng.
Xuất hiện máu trong phân sau khi đi đại tiện, máu có thể dính trên giấy vệ sinh, nhỏ giọt hoặc ướt bồn cầu.
Hậu môn có dấu hiệu ngứa và nóng rát.
Xuất hiện khối u nhỏ gần vết rách hậu môn.
5 Chẩn đoán phân biệt:
Trĩ nội
Viêm cơ thắt hậu môn
Dò hậu môn trực tràng
…
6 Biến chứng nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn cũng có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cụ thể bao gồm:
Không thể chữa lành: Vết nứt hậu môn nếu không được chữa lành trong vòng 6 – 8 tuần trở lại có thể tiến triển thành mãn tính, đòi hỏi quá trình điều trị phức tạp.
Tái phát: Nứt kẽ hậu môn có nguy cơ tái phát cao, nếu từng có tiền sử trước đó, người bệnh rất dễ gặp phải vết nứt mới.
Vết rách kéo dài đến các cơ xung quanh: Vết nứt trên hậu môn có thể mở rộng đến cơ vòng bên trong khiến quá trình chữa lành càng thêm khó khăn.
7 Phòng ngừa
7.1 Bổ sung chất xơ
Khi bị táo bón, đại tiện sẽ gặp khó khăn do phân khô, cứng, kích thước lớn, từ đó gây nên vết nứt hậu môn. Vì vậy, việc bổ sung đầy đủ chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày (20 – 35g/ngày) là thực sự cần thiết.
7.2 Uống đủ nước
Uống đủ nước mỗi ngày cũng là cách để ngăn ngừa táo bón, hạn chế tối đa việc hình thành vết nứt hậu môn. Đặc biệt, lượng nước cần bổ sung nhiều hơn sau khi hoạt động thể chất hoặc vào thời tiết ấm. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại đồ uống đều tốt. Chẳng hạn như uống nhiều rượu và Caffeine sẽ làm tăng khả năng mất nước, không tốt cho sức khỏe.
7.3 Tập thể dục
Thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Từ đó, cơ thể sẽ hạn chế được tình trạng táo bón, tiêu chảy thường gặp, ngăn ngừa hiệu quả việc hình thành vết nứt hậu môn.
7.4 Xây dựng thói quen đại tiện lành mạnh
Không nên nhịn đi đại tiện hoặc chờ quá lâu.
Không nên ngồi trên bồn cầu quá lâu.
Giữ vùng hậu môn luôn khô ráo, nhẹ nhàng lau sạch sau mỗi lần đại tiện.
Sử dụng giấy vệ sinh chứa thành phần tự nhiên hoặc khăn lau mềm không có mùi thơm, chất hóa học độc hại.
Điều trị các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến nứt kẽ hậu môn như: tiêu chảy, táo bón… ngay khi có triệu chứng.
7.5 Thường xuyên thay tã (đối với trẻ sơ sinh)
Nứt hậu môn xảy ra rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng này, việc vệ sinh hậu môn và thay tã thường xuyên cho bé là rất quan trọng.
7.6 Sử dụng thuốc nhuận tràng
Nếu các phương pháp chăm sóc thông thường như bổ sung nước, chất xơ… không đem lại hiệu quả cao đối với chứng táo bón, người bệnh nên dùng thuốc nhuận tràng với mục tiêu:
Tăng lượng nước trong ruột.
Bôi trơn phân để hỗ trợ thải ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng hơn.
Giữ nước trong ruột kết.
Kích thích các cơ trong ruột để tăng tốc độ đi đại tiện