Bs Trần Ngọc Bích
Khoa sanh – cấp cứu
1. Viêm gan siêu vi B là gì?
Viêm gan siêu vi B là bệnh lý gây viêm gan do nhiễm virus viêm gan B. Virus này tấn công tế bào gan gây suy chức năng gan, xơ gan hay ung thư gan.
Nhiễm virus viêm gan B có thể là nhiễm cấp tính hoặc mạn tính, tình trạng nhiễm có thể không có triệu chứng hoặc từ ít triệu chứng cho đến nhẹ và nặng, hiếm khi xảy ra tối cấp.
Bệnh viêm gan siêu vi B cấp tính thường tự giới hạn, tỷ lệ tử vong khoảng 0,5 – 1%. Bệnh viêm gan siêu vi mạn tính là bệnh lý kéo dài và trải qua nhiều giai đoạn, tuổi là một trong những yếu tố quyết định xác định nguy cơ bị nhiễm mạn tính. Khoảng 90% trẻ nhiễm từ mẹ sang con, 20 – 60% xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và hiếm ở tuổi trưởng thành.
2. Virus viêm gan B lây lan như thế nào ?
2.1 Lây nhiễm theo chiều dọc
Lây nhiễm từ mẹ sang con, đa số xảy ra trong thời kỳ chu sinh hay những tháng đầu sau sinh, không lây nhiễm qua nhau thai (trừ khi có tổn thương nhau thai như dọa sảy thai….). Ở những vùng lưu hành HBsAg cao, kiểu lây nhiễm này là quan trọng nhất, thường gặp ở những nước Châu Á.
Mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nồng độ HBV DNA và tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ:
– Mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+), trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch.
– Mẹ có HbsAg(+) và HBeAg (-), tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32%
– Tỷ lệ lây nhiễm cho con tăng lên từ 0% nếu HBV DNA của mẹ thấp hơn 105 copies/ml đến 50% nếu HBV DNA của mẹ từ 109 – 1010 copies/ml. 28 – 39% trẻ vẫn bị nhiễm dù đã chích ngừa HBV sau sanh nếu HBV DNA của mẹ từ 109 copies/ml trở lên.
– 50% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
2.2 Lây nhiễm theo chiều ngang
– Lây nhiễm qua đường tình dục, qua sử dụng chung kim tiêm (chích thuốc, châm cứu, xăm, xỏ lỗ tai, xỏ lỗ mũi….) với người bị nhiễm là kiểu lây theo chiều ngang quan trọng nhất.
– Dùng chung bàn chải đánh răng và dao cạo râu có dính máu hay dịch người bị nhiễm cũng có thể bị lây nhiễm HBV
– Không lây truyền qua thức ăn, nước uống và tiếp xúc thông thường
3. Ảnh hưởng của nhiễm virus viêm gan B lên thai kỳ như thế nào?
3.1 Ảnh hưởng của nhiễm virus viêm gan B cấp tính lên thai kỳ
Nhiễm HBV (virus viêm gan B) cấp trong thai kỳ thường không nghiêm trọng và không liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong hoặc tăng khả năng sinh quái thai. Do đó, nhiễm trong thai kỳ không cần phải cân nhắc đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên, đã có những báo cáo tăng tỉ lệ nhẹ cân khi sinh và sinh non ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV cấp. Hơn nữa, nhiễm HBV cấp xảy ra sớm trong thai kỳ có liên quan đến tỷ lệ lây truyền chu sinh 10%. Tỷ lệ lây truyền tăng đáng kể nếu nhiễm trùng cấp tính xảy ra vào lúc hoặc gần lúc sinh, với tỷ lệ được báo cáo lên tới 60%.
3.2 Ảnh hưởng của nhiễm virus viêm gan B mạn tính lên thai kỳ
Phụ nữ nhiễm viêm gan B mạn tính không có bệnh gan tiến triển thường dung nạp tốt việc mang thai. Tuy nhiên, do bệnh nhân đôi khi xuất hiện đợt bùng phát viêm gan, cần theo dõi sát những người mẹ có HBsAg dương tính. Nên xét nghiệm sinh hóa gan 3 tháng/lần khi mang thai và 6 tháng/lần sau khi sinh. Có thể xét nghiệm HBV DNA đồng thời hoặc khi có ALT tăng.
4. Có nên chủng ngừa viêm gan siêu vi B cho phụ nữ đang mang thai không?
Theo đề nghị APASL(The Asian Pacific Association for the Study of the Liver) và EASL(European Association for the Study of the Liver) thì tất cả phụ nữ mang thai nên thực hiện xét nghiệm thường quy HBsAg 3 tháng đầu của thai kỳ. Thuốc chủng ngừa tương đối an toàn ở tất cả các giai đoạn thai kỳ, vì vậy nếu như thai phụ chưa có miễn dịch và có yếu tố nguy cơ nên được chủng ngừa.
Nếu thai phụ có HBsAg âm tính 3 tháng đầu của thai kỳ nhưng lại có yếu tố hành vi nguy cơ mà chưa được tầm soát nhiễm virus viêm gan Btrước đó thì nên làm xét nghiệm lại HBsAg ngay sau sinh, nếu HBsAg dương tính thì nên được xét nghiệm thêm để được tư vấn và điều trị khi có chỉ định.
Theo CDC(Centers for Disease Control and Prevention) thì thai kỳ không phải là chống chỉ định của thuốc tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, vì vậy thai phụ có nguy cơ cao (có hơn 1 bạn tình trong 6 tháng trước đó, đang mắc và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục, còn đang tiêm ma túy, có bạn tình mang HBsAg) thì nên được chủng ngừa viêm gan siêu vi B.
5. Khi nào cần điều trị thuốc kháng virus cho bà mẹ nhiễm virus viêm gan B?
Gần đây , nhiều dữ kiện cho thấy dùng thuốc kháng virus để phòng ngừa lây nhiễm mẹ-con chỉ nên xem xét khi người mẹ có nồng độ HBV DNA trong huyết thanh cao (>108 IU/mL), có suy gan cấp tính hoặc viêm gan nặng dai dẳng. Điều trị nên bắt đầu vào 3 tháng cuối thai kỳ, tốt nhất vào khoảng 6-8 tuần trước sinh và nên tiếp tục kéo dài thêm khoảng 4 tuần sau sinh. Người mẹ nên được theo dõi thường xuyên xem bệnh có phát triển sau khi ngưng thuốc hay không. Tuy nhiên điều quan trọng là phải bàn bạc rất kỹ với thai phụ và người nhà của thai phụ về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc kháng virus.
6. Khi mẹ có HBsAg dương tính thì tiêm ngừa cho trẻ như thế nào?
Khi mẹ có HBsAg dương tính thì trẻ mới sinh ra cần được tiêm 2 mũi:
– Mũi đầu tiên là globulin miễn dịch (HBIG – Hepatitis B Immune Globuline), mũi này chứa các kháng thể để tiêu diệt virus trong máu bé do bị lây từ mẹ, mũi này tiêm càng sớm càng tốt, trong vòng 12 – 24 giờ sau sanh.
– Mũi thứ 2 là vaccine viêm gan B, mũi này giúp cơ thể bé tự tạo miễn dịch chống lại virus viêm gan B, trong vòng 24 giờ sau sanh.
Khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi tiêm ngừa trên sẽ làm giảm tỷ lệ lây truyền từ 95% xuống còn 1,1% đến 15%. Sau đó, cho trẻ tiêm phòng viêm gan B theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
7. Trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm virus viêm gan B có cho bú mẹ được không?
Có một vài nghiên cứu cho thấy trong sữa mẹ có một lượng rất nhỏ HBsAg, nhưng bú mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan siêu vi B từ bà mẹ có HBsAg dương tính sang cho con. Theo CDC trong tình huống này trẻ sơ sinh nên được bú mẹ ngay sau khi sinh, bú bình được đề nghị cho những đứa trẻ ở những bà mẹ bị nứt, trầy xướt hoặc xuất huyết ở đầu núm vú.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y Tế (2016). Viêm gan và thai nghén, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
2. Bệnh viện Hùng Vương (2014). Chẩn đoán và điều trị viêm gan B và thai
3. Nguyễn Hữu Trí. Tổng quan đặc điểm bệnh viêm gan siêu vi B ở thai phụ – Các loại bệnh viêm gan siêu vi. Nhà xuất bản Thanh Niên 2014; 163-172.
4. WHO. Epidemiology and burden – Guidelines for the prevention, care and treatment of persons with chronic hepatitis Binfection. March 2015; 3.1:10-12
5. ACOG.Endorses New Guidance and Algorithm for Prenatal HBsAg Tests – The Importance of Screening Pregnant Women for Hepatitis B Infection. September 2015