NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GROUP B STREPTOCOCCUS (GBS) TRONG THAI KỲ

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs Trần Thị Ngọc Bích (Khoa sanh – cc)

  Kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước cho đến nay, Streptococcus nhóm B (GBS) vẫn được xem là tác nhân hàng đầu gây bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh. Nguyên nhân chính của nhiễm khuẩn sơ sinh do GBS là sự lây truyền dọc từ mẹ sang con, mà chủ yếu xảy ra trong quá trình chuyển dạ hoặc khi ối vỡ. Tần suất nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS khoảng 1,5/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ tử vong sơ sinh của bệnh lý nhiễm trùng này lên tới 50% và mặc dù được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất thì 10% số trẻ sơ sinh được chẩn đoán nhiễm GBS khởi phát sớm sẽ tử vong. Do tỷ lệ tử vong của trẻ nhiễm GBS lên đến 50% nên từ những năm 1980, các nhà khoa học đã cố gắng tìm cách phòng ngừa lây nhiễm GBS từ mẹ sang con. Hiện nay, việc áp dụng phác đồ điều trị kháng sinh dự phòng dựa vào kết quả cấy tầm soát bệnh phẩm từ âm đạo – trực tràng khi thai kỳ ở tuổi thai 35 – 37 tuần, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn và tử vong do bệnh lý này giảm đi đáng kể.

1. GBS là gì?

  GBS – Liên cầu khuẩn nhóm B là một vi khuẩn Gram dương, chủ yếu sống ở đường tiêu hóa, âm đạo thường là nơi bị lây nhiễm. Khoảng 10 – 30% thai phụ bị nhiễm GBS trong âm đạo hoặc trực tràng. GBS không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục và hầu hết phụ nữ mang GBS sẽ không có triệu chứng. Nhiễm GBS trong thời kì mang thai có thể thoáng qua, từng đợt hoặc kéo dài. Bị nhiễm GBS trong thai kì trước sẽ tăng nguy cơ nhiễm ở lần mang thai tiếp theo.

2. Những ảnh hưởng khi nhiễm GBS

Ở phụ nữ mang thai

  - GBS gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm màng ối

  - Vi khuẩn chứa nhiều men phospholipid A2 để tổng hợp prostaglandin E2 gây sảy thai, thai chết lưu, vỡ ối sớm, sanh non,..

  - GBS gây viêm nhiễm các tổn thường đường sinh dục khi chuyển dạ

  - GBS gây viêm nội mạc tử cung sau đẻ

Ở trẻ sơ sinh

 - Nguyên nhân chính của nhiễm trùng sơ sinh sớm (trong vòng 01 tuần đầu sau sanh) do GBS là sự lây truyền dọc từ mẹ sang con thông qua việc tiếp xúc với GBS từ đường âm đạo: nhiễm từ mẹ do ối vỡ, thai hít hoặc nuốt dịch ối, dịch âm đạo, tổn thương da khi đi qua âm đạo.

 - Bệnh cảnh lâm sàng thường là suy hô hấp, ngưng thở hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng huyết khác trong vòng 24 – 48 giờ đầu sau sanh. Các hội chứng lâm sàng phổ biến nhất là nhiễm trùng huyết và viêm phổi; ít gặp hơn, có thể dẫn đến viêm màng não, di chứng thần kinh nặng nề. Tỷ lệ tử vong đã giảm từ mức 50% trong những năm 1970 xuống còn 4% – 6% trong những năm gần đây, chủ yếu là do những tiến bộ trong chăm sóc trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ sinh non, với tỷ lệ tử vong xấp xỉ 20% và cao tới 30% trong số thai ≤ 33 tuần, so với 2% – 3% ở trẻ đủ tháng.

 Tần suất nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS khoảng 1,5/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ tử vong sơ sinh của bệnh lý nhiễm trùng này lên tới 50% và mặc dù được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất thì 10% số trẻ sơ sinh được chẩn đoán nhiễm GBS khởi phát sớm sẽ tử vong.

3. Tầm soát nhiễm GBS trong thai kỳ

 Tình trạng nhiễm GBS có thể thay đổi trong quá trình mang thai. Do đó, thời gian tầm soát để xác định tình trạng nhiễm là rất quan trọng. Nhiễm sớm trong thai kỳ không phải là yếu tố tiên đoán của bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS. Trong khi đó, nhiễm GBS trong ba tháng cuối đã được sử dụng như là một tiên đoán cho nguy cơ lây nhiễm trong chuyển dạ. Giá trị dự báo âm của cấy GBS thực hiện ≤ 5 tuần trước khi sinh là 95 – 98%, có nghĩa là có khoảng 95 – 98 trong 100 trường hợp âm tính có kết quả âm tính thật sự. Các giá trị tiên đoán lâm sàng giảm khi cấy trước khi sinh được thực hiện nhiều hơn 5 tuần vì sự sụt giảm giá trị tiên đoán âm. Các mẫu cấy mất thời gian từ 24 – 48 giờ để có kết quả nên không phù hợp cho việc khởi đầu điều trị KS dự phòng cho thai phụ trước sinh nếu tầm soát sau 37 tuần hay vào lúc chuyển dạ. Việc tiếp cận tầm soát các thai phụ nhiễm GBS ở âm đạo – trực tràng tốt nhất ở thời điểm 35 – 37 tuần.

 Mẫu xét nghiệm lấy ở phần thấp âm đạo và trực tràng (thông qua cơ thắt hậu môn) làm tăng tỷ lệ đáng kể so với việc lấy mẫu ở âm đạo mà không lấy ở trực tràng. Một vài nghiên cứu đã kiểm tra kết qua nuôi cấy mẫu lấy quanh hậu môn hoặc âm đạo để phát hiện nhiễm GBS, các dữ liệu cho thấy mẫu cấy âm đạo – trực tràng cho tỷ lệ cao nhất.

4. Các thay đổi của chiến lược phòng chống GBS của CDC (Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Bệnh Hoa Kỳ)

 Năm 1996, CDC đã ban hành khuyến cáo về chiến lược điều trị dự phòng nhiễm GBS dựa vào các yếu tố nguy cơ ở các thai phụ bao gồm:

 - Sanh non ≤ 37 tuần

 - Vỡ ối ≥ 18 giờ

 - Nhiễm trùng ối

 - Thai phụ sốt ≥ 38oC

 - Lần sanh trước trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS

 Từ năm 2002, hướng dẫn của CDC khuyến cáo nên sử dụng phương pháp cấy để tối ưu hóa việc xác định các thai phụ nên nhận được kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ để phòng ngừa tích cực và chỉ những thai phụ nào có kết quả cấy tước đó (không rõ tình trạng nhiễm GBS) mới áp dụng phương pháp phòng ngừa dựa vào yếu tố nguy cơ.

 Năm 2010, CDC đã cập nhật lại hướng dẫn phòng chống nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS, có 1 số điểm quan trọng

  - Khuyến nghị sàng lọc GBS trước sinh cho tất cả các thai kỳ 35 – 37 tuần để tối ưu hóa số thai phụ nhận được kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ

  - Thai phụ chưa biết nhiễm GBS tại thời điểm chuyển dạ sẽ được dự phòng dựa vào yếu tố nguy cơ

  - Cập nhật phác đồ dự phòng dành cho thai phụ dị ứng với Penicillin

  - Hướng dẫn chi tiết về cách lấy mẫu xét nghiệm và mở rộng các phương pháp xét nghiệm xác định GBS, kể cả hướng dẫn về kháng sinh đồ

  - Khuyến nghị không dùng kháng sinh dự phòng cho thai phụ nhiễm GBS khi mổ sinh mà chưa bắt đầu chuyển dạ, ối còn nguyên vẹn

  - Cập nhật xử trí phòng ngừa thứ cấp nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS

Hiệu quả của chiến lược dự phòng

  Sau một thời gian áp dụng chiến lược dự phòng gồm xét nghiệm sàng lọc cấy GBS từ bệnh phẩm âm đạo – trực tràng, xét nghiệm nước tiểu, sự dụng kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ với đối tượng nguy cơ, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy hiệu quả to lớn từ việc sử dụng kháng sinh dự phòng:

  - Giảm tỷ lệ lây truyền dọc từ mẹ sang con

  - Giảm 21% tỷ lệ bệnh lý nhiễm GBS

  - Giảm 70% bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh sớm

5. Phác đồ kháng sinh

  - Thời điểm điều trị: Khi vào chuyển dạ thật sự và tiên lượng thời gian bắt đầu tiêm kháng sinh đến lúc sanh ≥ 4 giờ

  - Phác đồ:

  1. Ampicillin: liều khởi đầu 2g (TM), sau đó 1g (TM) mỗi 4 giờ cho đến khi sanh

  2. Hoặc Cefazolin: liều khởi đầu 2g (TM), sau đó 1g (TMC) mỗi 8 giờ đến khi sanh

  3. Nếu có tiền sử dị ứng với Penicillin thì sử dụng Clindamycin 900mg (TM) mỗi 8 giờ đến khi sanh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Ngọc Sơn, Vũ Thị Nhung (2017), “Tỷ lệ nhiễm Streptococcuc nhóm B âm đạo – trực tràng ở phụ nữ mang thai 35 – 37 tuần và các yếu tố liên quan”

  2. Vũ Thị Mỹ Hạnh (2016), “GBS ở phụ nữ mang thai”, chuyên ngành Vi sinh – trường Đại học Y Hà Nội

  3. Phác đồ Bệnh viện Sản Nhi An Giang (2019), “Kháng sinh dự phòng nhiễm liên cầu khuẩn ở trẻ sơ sinh”

  4. Centers for Disease Control Prevention (2010), “Prevention of Perinatal Group B Streptococcal Disease: Revised guideline from CDC”.

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •