Bs. Phạm Trần Quỳnh Nhi
Có nhiều lý do khiến trẻ đau bụng nhưng không phải lúc nào cũng cần đến sự trợ giúp của bác sĩ. Mỗi người mẹ đều có thể là bác sĩ tại gia hữu hiệu cho bé khi đã trang bị một số kiến thức cần thiết về vấn đề này. Tuy vậy cũng không nên quá chủ quan, bởi vì đau bụng đôi khi lại là dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.
1.THẾ NÀO LÀ ĐAU BỤNG MẠN?
Đau bụng mạn (ĐBM) hay đau bụng tái diễn là đau bụng xảy ra ít nhất 4 lần mỗi tháng trong ít nhất 2 tháng.
Chứng ” đau bụng mạn tính trẻ em ” thường xảy ra ở học sinh, và được chia ra làm 2 loại:
Đau bụng do có tổn thương thực thể, nghĩa là có tổn thương chắc chắn ở một bộ phận nào đó trong bụng: thí dụ ở bao tử, viêm ruột ( còn được gọi là sưng ruột ), viêm túi mật,… số trẻ em bị đau bụng do có tổn thương thực thể, chỉ chiểm 5% tổng số trẻ em bị ” đau bụng mạn tính “.
Đau bụng do rối loạn chức năng tiêu hóa là đau bụng do bộ máy tiêu hóa bị ” trục trặc “, hoạt động không bình thường, nhưng không có tổn thương gì cả, cho nên thường đau một lát rồi lại tự khỏi. Số trẻ em bị chứng này chiếm tới 95% tổng số trẻ em bị ” đau bụng mạn tính “.
2.NGUYÊN NHÂN
Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ như nhiễm vi khuẩn, virus, côn trùng cắn, ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, ngộ độc thực phẩm hay độc chất, dùng thuốc quá liều, bệnh lý của những cơ quan trong ổ bụng hoặc lân cận hay những vấn đề cần phải nhanh chóng phẫu thuật như viêm ruột thừa, tắc ruột… Trong đó, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đau bụng mạn tính
– Do chế độ ăn không thích hợp.
– Do rối loạn tâm thần.
– Do táo bón
Trong đó, nguyên nhân đầu tiên: chế độ ăn uống không thích hợp là chủ yếu hơn cả, hay gặp hơn cả. Thông thường, trẻ đó đã ăn quá nhiều một số thức ăn như sau:
Các chất ngọt: Kẹo, bánh, mứt, socola.
Các chất béo: mỡ, trứng, bơ, phô mai, sữa và cả dầu thực vật.
Các chất chua như : Cam. chanh, nho và các loại nước giải khát chua, ngọt.
Dĩ nhiên, nếu ăn các chất nói trên vừa phải, không nhiều, thì sẽ không bị đau bụng. Nhưng ăn đến lúc mà bộ máy tiêu hóa không dung nạp được nữa, thì gây nên những phản ứng. Phản ứng thông thường nhất là ống tiêu hóa, gồm dạ dày, ruột non, ruột già, sẽ có những cơn co thắt, và sự co thắt này sẽ gây ra đau bụng.
Ngoài những nguyên nhân trên là chủ yếu nhất, đôi khi trẻ em có thể đau bụng do rối loạn tâm thần. Điều này thường gặp ở một số em nữ học sinh lớn: sự buồn phiền, sự hờn giận, sự lo lắng thường là do tình cảm,… đã kích thích bộ máy tiêu hóa, gây nên các cơn co thắt ruột, tạo ra các cơn đau bụng.
Cuối cùng, táo bón lâu ngày không đi tiêu được, thì sự tích tụ phân trong ruột cũng sẽ gây nên những phản ứng của ruột dẫn tới đau bụng.
3. BA MẸ CẦN LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ ĐAU BỤNG?
Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên bà mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho bé nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Nếu trẻ không sốt, nên hạn chế sử dụng những thuốc với mục đích giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Kháng sinh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Như trên đã nói, chứng đau bụng mạn tính ở các em học sinh khỏe mạnh có nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn không thích hợp. Để điều trị chứng này, điều cần nhất là điều chỉnh lại chế độ ăn: Hạn chế các chất vừa phải, không nhiều quá.
Đối với các em đau bụng do nguyên nhân tâm thần, thì việc xử trí cũng phải bằng các biện pháp tâm lý như: động viên an ủi, giúp các em giải quyết các vấn đề gây ra buồn phiền, hờn giận, lo lắng.
Các em đau bụng do táo bón được xử lý bằng chế độ ăn: Ăn thêm rau, trái cây, ăn đủ cơm, uống nhiều nước; hạn chế các chất ngọt, socola…. Việc tập thể dục, nhất là thể dục bụng, đi bộ, rất hữu ích trong việc điều trị chứng này. Chỉ dùng các thuốc trị táo bón trong trường hợp rất cần thiết và sau khi đã hỏi ý kiến bác sĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y Tế, “Đau bụng chức năng ở trẻ em”
- BS Phạm Đình Nguyên (2018), “Đau bụng ở trẻ em”, Các bệnh thường gặp
- Phạm Thị Ngọc Tuyết (2011). “Đau bụng mạn ở học sinh trung học cơ sở tại quận 1, TPHCM: tỉ lệ hiện mắc và mối liên quan với các yếu tố sang chấn tâm lý”. Luận án Tiến sĩ Y học ĐHYD TPHCM.
- Camilleri M (2004). “Treating irritable bowel syndrome: overview, perspective and future therapies”, Br J Pharmacol; 141: 1237-48.