“NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT Ở TRẺ EM”

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

  1. Sốt xuất huyết và tác nhân gây bệnh

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên.

– Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em.

– Virus truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt. Muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh.

+ Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.

+ Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

+ Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

2. Những triệu chứng và các giai đoạn bệnh

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua bốn giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

– Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài từ 3 – 10 ngày hoặc lên đến 14 ngày, giai đoạn này có thể không có triệu chứng.

– Giai đoạn sốt: người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; da xung huyết, thường có chấm xuất huyết ở dưới da; chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

– Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt; có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, dấu hiệu của xuất huyết da niêm và tạng.

– Giai đoạn hồi phục: sau 24 – 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều

3. Những điều cần chú ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue đều có thể được điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế. Trong theo dõi, chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết Dengue, quan trọng là phát hiện ra những dấu hiệu nặng của bệnh để can thiệp, xử trí kịp thời.

Do vậy người bệnh cần chú ý những điều sau:

– Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo hẹn.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus gây ra triệu chứng đầu tiên là sốt, theo cảnh báo thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, do đó bạn nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 của sốt.

– Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần (ví dụ một trẻ 30kg có thể uống 1 viên paracetamol 325mg/lần), mỗi lần uống cách nhau khoảng 6 giờ.

– Tuyệt đối không dùng Aspirin ( Acetylsalicylic acid ), Analgin, Ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

– Bù dịch bằng cách uống Oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước trái cây, tránh thực phẩm màu đỏ và nâu vì dễ nhầm lẫn khi có xuất huyết tiêu hoá xảy ra,…

Nếu có bất kỳ một trong những dấu hiệu sau đây cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị tích cực:

  • Vật vã, lừ đừ, li bì, da lạnh, vã mồ hôi, tím tái.
  • Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan : đau bụng vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.
  • Nôn nhiều.
  • Xuất huyết niêm mạc : chảy máu cam, đái ra máu, nôn ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh.
  • Tiểu ít.
  • Sốt xuất huyết trên bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như suy gan, suy thận, tim bẩm sinh, huyết học,… cần được theo dõi sát.
  1. Người bệnh sốt xuất huyết ăn uống ra sao ?
  • Chế độ ăn:

– Protein: thường nhu cầu cao hơn bình thường, nên dùng trứng, sữa, thịt, cá.

– Lipid và cacbohydrat: là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu (nước đường, nước trái cây) và lipid thực vật.

– Đủ nước, giàu sinh tố và muối khoáng: nước trái cây, rau quả,…

– Bữa ăn: chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày.

– Thực phẩm: mềm, lỏng, nhiều nước, không màu như sữa, bột cháo mì, phở,…

  1. Các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết

– Bảo vệ tránh không bị muỗi đốt: ngủ màn ban ngày, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), mặc quần áo dài tay, dùng kem thoa chống muỗi.

– Diệt muỗi và loăng quăng.

– Phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo, quần áo, chỗ tối.

– Diệt loăng quăng: Đậy nắp thùng chứa nước, súc rửa chum vại thường xuyên, dọn chỗ đọng nước trong và quanh nhà, thả cá bảy màu ăn loăng quăng.

 

  • Tài liệu tham khảo:
  1. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE CỦA BỘ Y TẾ.
  2. PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ NHI KHOA 2020 BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1.
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •