NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP CỦA TRẺ EM VÀO MÙA XUÂN

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs. Võ Hiền Nhân

Mùa đông đã qua, chúng ta đang sắp kết thúc mùa xuân. Với sự chuyển biến của nhiệt độ, thời tiết thất thường, độ ẩm cao, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều bệnh, đặc biệt ở trẻ nhỏ, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch còn non yếu là đối tượng dễ bị tấn công nhất. Vậy các bệnh thường gặp ở giai đoạn này là gì, hãy cùng Bệnh viện Sản Nhi An Giang tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây:

  1. Bệnh Hen phế quản (suyễn)

Bệnh lý hô hấp thường gặp nhất mùa xuân là bệnh hen phế quản. Sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến chức năng miễn dịch của cơ thể thấp, sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cũng giảm sút. Hen phế quản là một bệnh lý đường hô hấp được đặc trưng bởi viêm đường dẫn khí mãn tính. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, dị nguyên (chất gây dị ứng), phế quản sẽ phản ứng một cách dữ dội biểu hiện các triệu chứng như khó thở, khò khè, nặng ngực và ho. Tùy thuộc vào mức độ kích thích các tiểu phế quản và tùy vào cơ địa của từng bệnh nhân mà cơn hen phế quản ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.

  1. Bệnh viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng phổi bị tổn thương do sự tấn công của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm… Chúng sinh sôi, nảy nở và tạo nên những ổ nhiễm khuẩn trong phổi. Bệnh thường gặp trong mùa xuân. Có 4 loại viêm phổi: Viêm phổi thùy, viêm phổi tiểu thùy, viêm phế quản và áp xe phổi.

Biểu hiện của bệnh viêm phổi ở trẻ thường rất đa dạng và phức tạp:

✔️ Giai đoạn sớm: Có thể chỉ có sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc…

✔️ Giai đoạn sau: Nếu trẻ không được điều trị đúng và theo dõi sát có thể diễn biến nặng hơn với biểu hiện như: sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi…

✔️ Triệu chứng toàn thân: trẻ mệt mỏi, quấy khóc, có thể bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng.

Nếu có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh…, cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

  1. Bệnh Viêm khí – phế quản cấp

Bệnh thường do các loại virus cúm gây ra, đây cũng là một bệnh phổ biến vào mùa xuân.  Triệu chứng của bệnh là hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực khó thở. Để phòng tránh, cần phải giữ ấm cơ thể, ăn nhiều các loại hoa quả để nâng cao thể trạng, uống nhiều nước. Khi mắc bệnh, phải điều trị kịp thời, dùng thuốc đủ liều lượng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

  1. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường gặp ở rất nhiều người. Viêm mũi xảy ra khi niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm khi người bệnh hít phải dị nguyên như bụi, khói, lông, tơ,… và hắt hơi là một dạng phản ứng của cơ thể nhằm chống lại dị nguyên này. Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên lại gây nhiều khó chịu trong cuộc sống hàng ngày ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng cao nhất là vào mùa xuân ở những người có cơ địa dị ứng. Nguyên nhân là vì mùa xuân, phấn hoa phát tán khá nhiều trong không khí gây ngứa mũi, hắt xì hơi, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi rất khó chịu.

Những người có cơ địa dị ứng cần tránh đến những nơi trồng nhiều hoa, không cắm hoa trong phòng, sử dụng khẩu trang khi đi ra đường. Khi hít phải phấn hoa, trước tiên có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi từ nước muối vô khuẩn để làm sạch phấn hoa. Sau đó, cần đến bác sỹ để được chỉ định dùng thuốc hợp lý.

Hầu hết người mắc viêm mũi dị ứng sẽ có các biểu hiện như:

✔️ Hắt hơi liên tục; sổ mũi; ngứa mũi, mắt, cổ họng, da hoặc các vùng khác trên cơ thể.

✔️ Ho; nghẹt mũi; viêm hoặc ngứa họng; chảy nước mắt; xuất hiện quầng thâm dưới bọng mắt;

✔️ Đau đầu thường xuyên; phát ban; mệt mỏi. Trường hợp có tiền sử hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng, nổi mày đay hay khám nội soi mũi thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi trong cũng là những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.

  1. Bệnh tiêu hóa

Trẻ nhỏ với hệ tiêu hóa non nớt thường dễ bị mắc các bệnh đường tiêu hóa hơn người lớn rất nhiều. Điều này một mặt có thể giúp kích thích hệ miễn dịch cho trẻ nhưng mặt khác, nếu không được điều trị kịp thời, nhiều bệnh có thể biến chứng nguy hiểm. Thời điểm Tết đến Xuân về có nhiều lễ hội đầu năm nên lượng người tập trung tại một địa điểm cũng diễn ra rất thường xuyên nên dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Việc ăn chín uống chín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lúc này cần được mọi người chú ý.

Các bệnh về tiêu hóa thường gặp:

+ Tiêu chảy                       

+ Táo bón

+ Rối loạn tiêu hóa            

+ Bệnh kiết lị

+ Ngộ độc thực phẩm.

  1. Cúm mùa

Cúm mùa  là một dạng bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh phát triển khi vi rút cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, cổ họng, các ống phế quản và có thể bao gồm cả phổi.

Hội chứng cúm gồm các triệu chứng sau:

– Sốt cao kéo dài 3 – 7 ngày. Có thể sốt kiểu “V” cúm (sốt 3-5 ngày rồi đỡ sốt 1-2 ngày rồi lại sốt cao trở lại).

– Viêm long đường hô hấp trên: chảy mũi, ho, hắt hơi.

 – Đau họng, ho khan, khàn tiếng, đau tức ngực.

 – Đau đầu: đau đầu vùng thái dương, vùng trán, ù tai, quấy khóc ở trẻ nhỏ.

 – Đau cơ: đau mỏi cơ, khớp toàn thân.

Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong.

Dự phòng cúm tốt nhất là tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là vaccine phòng cúm

  1. Các biện pháp phòng ngừa chung

– Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể cho trẻ và hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.

– Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ: uống đủ nước, ăn rau xanh trái cây, ăn phong phú các loại thực phẩm …

– Giữ ấm cơ thể, đặc biệt lưu ý giữ ấm vùng đầu, cổ, tay, chân cho trẻ.

– Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

– Không nên cho trẻ đi bơi ở những bể bơi công cộng hoặc những khu vui chơi giải trí dưới nước không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

– Rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, không hôn trẻ. Nếu trẻ bị sổ mũi, nên thường xuyên hút và rửa mũi bằng dung dịch sinh lý nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập xuống khí phế quản. Không cho trẻ tiếp cận với những người đang bị sổ mũi hoặc dùng chung đồ dùng của trẻ khác. 

– Tiêm phòng vacxin cho trẻ đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng Quốc gia và các hướng dẫn tiêm chủng phòng bệnh sởi, cúm, não mô cầu, phế cầu…

Trên đây là một số bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa xuân. Hi vọng với bài viết này đã cung cấp cho các bậc phụ huynh thêm các kiến thức hữu ích để chăm sóc và bảo vệ trẻ. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2015), “Viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ em”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Nhà xuất bản Y học, Tr 262 – 265.
  2. Bộ Y tế (2015), “Tiêu chảy cấp”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Nhà xuất bản Y học, Tr 316 – 324.
  3. Bộ Y tế (2015), “Bệnh cúm”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Nhà xuất bản Y học, Tr 496 – 499.
  4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3604842/
  5. https://www.cdc.gov/features/rhinoviruses/index.html

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •