NHAU TIỀN ĐẠO

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Người dịch: Bs Lê Minh Châu (Khoa sanh – cấp cứu)

Nhau tiền đạo là gì?

– Bánh nhau phát triển cùng với thai nhi trong tử cung trong suốt thai kỳ. Bánh nhau bám vào thành tử cung và là sự kết nối giữa bạn và thai nhi. Oxy và chất dinh dưỡng từ máu của bạn đi qua bánh nhau vào máu của trẻ. Bánh nhau sẽ sổ sau khi trẻ được sinh ra.

– Ở một số phụ nữ, bánh nhau bám thấp trong tử cung và có thể che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Phần lớn các trường hợp, bánh nhau di chuyển theo hướng lên trên và ra xa cổ tử cung khi tử cung phát triển trong thai kỳ. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, bánh nhau vẫn nằm tại vị trí thấp của tử cung. Trường hợp này gọi là nhau bám thấp nếu khoảng cách tử bánh nhau tới cổ tử cung nhỏ hơn 20mm hoặc là nhau tiền đạo nếu bánh nhau che phủ cổ tử cung.

– Nhau tiền đạo thường gặp hơn nếu bạn đã từng mổ lấy thai trước đó, bạn có điều trị vô sinh, hoặc bạn hút thuốc.

nhautiendao

Nguy cơ cho bạn và thai nhi?

– Bạn sẽ có nguy cơ chảy máu âm đạo, đặc biệt là các tháng cuối của thai kỳ, bởi vì bánh nhau nằm thấp trong tử cung. Máu từ nhau tiền đạo có thể rất nhiều, và đôi lúc bạn và thai nhi sẽ gặp nguy hiểm.

– Thai nhi có thể sẽ cần được mổ lấy thai bởi vì bánh nhau chặn đường sanh ngả âm đạo.

Làm thế nào chẩn đoán nhau tiền đạo?

– Nhau bám thấp sẽ được kiểm tra khi bạn siêu âm định kỳ vào tuần thứ 20. Phần lớn thai phụ phát hiện nhau bám thấp ở tuần thứ 20 sẽ có bánh nhau bình thường vào giai đoạn sau: 9 trong 10 phụ nữ có nhau bám thấp ở tuần thứ 20 sẽ không còn thấy nhau bám thấp khi tiếp tục theo dõi, và chỉ 1 trong 200 sản phụ bị nhau tiền đạo vào các tháng cuối của thai kỳ. Nếu trước đó bạn có mổ lấy thai, xu hướng đi lên của bánh nhau sẽ giảm đi.

– Nghi ngờ nhau tiền đạo nếu bạn chảy máu trong nửa sau của thai kỳ. Máu chảy từ nhau tiền đạo thường không đau và có thể xảy ra sau khi bạn quan hệ.

– Một số trường hợp trong các tháng cuối thai kỳ, thai nằm tư thế bất thường, ví dụ như ngôi mông hay ngôi ngang cũng là một yếu tố nghi ngờ nhau tiền đạo.

Chăm sóc tiền sản nếu bạn bị nhau bám thấp

– Nếu bánh nhau bám thấp vào tuần thứ 20, bạn sẽ được hướng dẫn khám lại vào tuần 32 của thai kỳ để xem bánh nhau có còn bám thấp hay không. Bạn có thể sẽ được siêu âm ngả âm đạo. Và có thể sẽ kiểm tra vào tuần 36 nếu bánh nhau vẫn còn bám thấp.

– Kiểm tra độ dài cổ tử cung vào tuần 32 để tiên lượng bạn có vào chuyển dạ sớm và có tăng nguy cơ chảy máu hay không.

– Nếu bạn chẩn đoán nhau tiền đạo, bạn sẽ tăng nguy cơ sanh non (trước 37 tuần) và bạn có thể sẽ được tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai từ 34-36 tuần.

– Nếu bạn chuyển dạ sanh sớm, bạn sẽ được điều trị thuốc (giảm gò) để ngăn các cơn gò tử cung và cho phép bạn được tiêm đủ liều thuốc trưởng thành phổi.

– Các vấn đề khác, bao gồm bạn có cần nằm viện theo dõi hay không, sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Thậm chí nếu bạn không có triệu chứng trước đó, vẫn có một nguy cơ nhỏ bạn sẽ ra máu nhiều và đột ngột, và khi đó bạn sẽ phải mổ lấy thai khẩn cấp.

– Nếu bạn đã biết nhau bám thấp, bạn nên liên hệ ngay với bệnh viện nếu bạn ra máu âm đạo, có cơn gò hoặc đau bụng. Nếu bạn ra máu âm đạo, bác sĩ sẽ cần kiểm tra lượng máu mất và máu ra từ đâu. Đây là các thăm khám an toàn và sẽ hỏi sự đồng thuận của bạn trước khi thực hiện.

– Bạn cần tránh bị thiếu máu trong thai kỳ bằng cách có chế độ dinh dưỡng phù hợp và uống viên sắt nếu được bác sĩ khuyến cáo. Mức huyết sắc tố sẽ được kiểm tra thường xuyên trong thai kỳ.

Thai sẽ được sanh như thế nào?

– Vào giai đoạn cuối của thai kỳ, khi bánh nhau tiền đạo đã cố định, bạn sẽ thảo luận về cách sanh với nhân viên y tế

– Đội ngũ y tế sẽ thảo luận với bạn cách sanh an toàn nhất tùy vào trường hợp cụ thể.

Nguồn (tổng hợp):

https://patient.info/doctor/placenta-praevia
www.rcog.org.uk/en/patients/patient-leaflets/a-low-lying-placenta-after-20-weeks-placenta-praevia/links

Số điện thoại tư vấn: 02963959594

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •