Trần Xuân Tuấn
Trong quá trình hình thành đường tiêu hóa từ giai đoạn bào thai các phần của đường tiêu hóa có thể bị “lặp lại” hình thành nên các cấu trúc bất thường có thể bắt gặp ở mọi vị trí của đường tiêu hóa từ hầu họng cho tới hậu môn được gọi là nang ruột đôi (Intestinal Duplication Cyst). Dị tật này khá hiếm gặp với tần suất khoảng 1/4500, thường gặp nhất là ở hồi tràng, hỗng tràng, đại tràng, dạ dày và tá tràng.
Biểu hiện lâm sàng của nang ruột đôi ở trẻ em tùy thuộc vào vị trí của nang. Đối với các nang ruột đôi ở vị trí thường gặp, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng: đau bụng, nôn, chướng bụng, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, đôi khi triệu chứng chỉ khi có xuất hiện biến chứng như: nang gây lồng ruột, tắc ruột, chảy máu đường tiêu hóa, xoắn nang, thủng nang gây viêm phúc mạc.
Nang ruột đôi có thể không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ qua siêu âm, CT-scan ổ bụng hoặc trong phẫu thuật. Một số trường hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cũng không phân biệt được nang ruột đôi với các bệnh lý khác như u nang buồng trứng, u nang bạch huyết ổ bụng, nang ống mật chủ, túi thừa Meckel.
Hình 1. Ảnh minh họa nang ruột đôi tại các vị trí trên đường tiêu hóa, nguồn: The SAGES Manual of Pediatric Minimally Invasive Surgery
Hình 2. Ảnh minh họa nang ruột đôi ở đoạn đại tràng sigma, nguồn: Pediatric Surgery 2019
Hình 3. Nang ruột đôi tại gốc hồi manh tràng
Hình 4: Hình ảnh nang ruột đôi trên siêu âm,
nguồn: http://sannhiag.vn/sieu-am-bung-cap-cuu-o-tre-em/
Điểm khác biệt giữa nang ruột đôi ở hồi tràng với túi thừa Meckel là túi thừa meckel thường nằm ở bờ tự do của ruột, trong khi nang ruột đôi nằm ở phía bờ mạc treo của ruột.
Điều trị tối ưu cho nang ruột đôi là phẫu thuật cắt toàn bộ nang nhưng điều này không phải lúc nào cũng đạt được vì nhiều vị trí khác nhau và mối liên quan của nang ruột đôi với các tổ chức xung quanh. Các kỹ thuật khác nhau trong điều trị nang ruột đôi đã được báo cáo bao gồm cắt nang có hoặc không cắt ruột liền kề, mở lỗ thông thành nang vào lòng ruột liền kề, cắt nang một phần và bóc niêm mạc nang còn lại.
Đa phần các nang nhỏ bóc tách được và các nang có diện tích chung thành với phần ruột chính ít có tiên lượng sau mổ tốt. Các trường hợp chưa cắt nang hoàn toàn cần được theo dỏi tái khám định kỳ sau khi xuất viện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Mark D. Stringer (2006). “Gastrointestinal Duplications”. Pediatric Surgery, pp:239-256.
- Trần Ngọc Sơn, Vũ Xuân Hoàn (2013). “Phẫu thuật nội soi điều trị nang ruột đôi ở trẻ em”. Y Học TP. Hồ Chí Minh, tập 17, tr41-45.