BS. Trần Xuân Tuấn
I. Tổng quan
Nang đường mật hay nang ống mật chủ, dãn ống mật chủ bẩm sinh là một bệnh bẩm sinh ở đường mật mà đường mật ngoài gan, trong gan bị dãn thành nang.
Nang đường mật khá phổ biến ở châu Á với tỉ lệ 1/1.000 người ở Nhật Bản, bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam từ 3-4 lần, 20% trường hợp được chẩn đoán trước sinh nhờ siêu âm.
Nguyên nhân gây ra nang đường mật được chấp nhận nhiều là trào ngược dịch tụy lên đường mật qua kênh chung mật tụy (kênh chung mật-tụy dài) hay hẹp đầu tận ống mật chủ bẩm sinh.
- Phân loại nang đường mật
Hình 1: Phân loại nang đường mật theo Todani -2003
III. Biểu hiện lâm sàng của nang đường mật
Một số trẻ mắc nang đường mật có biểu hiện triệu chứng ngay từ đầu, trong khi một số khác xuất hiện triệu chứng muộn, khi kích thước nang tăng lên hoặc có biến chứng liên quan đến nang. Tam chứng kinh điển của nang đường mật bao gồm: đau bụng, vàng da và sờ thấy một khối u ở góc phần tư phía trên ở bên phải bụng.
+ Vàng da xuất hiện từng đợt, cải thiện khi được điều trị bằng kháng sinh, có thể kèm theo phân bạc màu hoặc sốt.
+ Đau bụng thường gặp ở trẻ lớn.
+ U bụng ở dưới sườn phải khi sờ có ranh giới rõ, bề mặt căng nhẵn.
+ Gan to gặp trong trường hợp có dãn đường mật trong gan.
+ Nang đường mật có thể biểu hiện viêm đường mật hoặc viêm tuỵ từng đợt.
IV. Biến chứng của nang đường mật
Các biến chứng của nang đường mật phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và thường liên quan đến ứ trệ dịch mật, nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh nhân có thể có các biến chưng sau:
– Sỏi mật: thường gặp ở trẻ lớn, dưới dạng sỏi nhỏ hay sỏi bùn.
– Viêm tuỵ: tỷ lệ khoảng 3,1-21%.
– Nhiễm trùng đường mật: tỷ lệ 6,2-8%, thường xảy ra ở bệnh nhu có dãn đường mật trong gan kèm theo sỏi mật.
– Thủng, vỡ nang: 1-18%.
– Viêm túi mật:tỷ lệ khoảng 26%.
– Ung thư hoá: tỷ lệ khoảng 2,5-28%, là biến chứng nghiêm trọng nhất.
– Xơ gan.
– Tăng áp tĩnh mạch cửa.
V. Phương tiện chẩn đoán nang đường mật
– Siêu âm: là phương tiện sàng lọc và chẩn đoán ban đầu phổ biến, độ chính xác 75-95%, với sự phát triển của siêu âm, ngày càng có nhiều trường hợp nang đường mật được phát hiện trước sinh hoặc phát hiện tình cờ khi siêu âm bụng.
– Chụp cắt lớp vi tính: có giá trị cao trong chẩn đoán nang loại IV và V, dựng hình ba chiều giúp đánh giá giải phẫu toàn thể đường mật góp phần lập kế hoạch trước mổ.
– Chụp Xquang đường mật trực tiếp: bao gồm ERCP, PTC và chụp đường mật trong mổ.
– Cộng hưởng từ mật – tuỵ (MRCP) là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nang đường mật với độ nhạy 90-100%.
VI. Điều trị
Phẫu thuật sớm ở bất cứ độ tuổi nào khi được chẩn đoán nhằm tránh các biến chứng của bệnh, giảm thiểu tai biến trong mổ và biến chứng sau mổ.
Phẫu thuật được loại chọn là cắt toàn bộ nang và tái lập lưu thông mật-ruột, có thể được thực hiện qua mổ mở hoặc qua nội soi.
Hình 2: Nang đường mật trước mổ (A) và sau mổ (B) với kiểu nối mật-ruột bằng nối ống gan chung-hỗng tràng theo Roux-en-Y.
Phẫu thuật nang đường mật là phẫu thuật phức tạp, thời gian phẫu thuật kéo dài, đòi hỏi bóc tách tỉ mỉ nang và nối lại mật-ruột hoàn chỉnh. Do đó, các biến chứng sau mổ là có thể có, bao gồm: chảy máu sau mổ, rò miệng nối, hẹp miệng nối, viêm hoặc rò dịch tụy, nhiễm trùng, tắc ruột,…
Kết luận
Nang đường mật là bệnh đường mật thường gặp của trẻ em ở các nước châu Á, bệnh được chẩn đoán ban đầu chủ yếu dựa vào siêu âm; tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán là chụp cộng hưởng từ mật-tuỵ. Hiện nay, phương pháp nội soi cắt nang đường mật tái lập lưu thông mật-ruột bằng nối ống gan chung-hỗng tràng theo Roux-en-Y được đa số các phẫu thuật viên lựa chọn và mang lại nhiều kết quả tích cực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trương Nguyễn Uy Linh (2018), Ngoại nhi lâm sàng. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Y Học.
- Trương Nguyễn Uy Linh (2012), Đánh giá khả năng thực hiện và kết quả của kiểu nối cao ống gan-hỗng tràng tận-tận theo Roux-en-Y trong phẫu thuật cắt nang ống mật chủ ở trẻ em, Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 16(1), tr. 119-124.
- Gonzales K.D., Lee H. (2012), Choledochal cyst, Pediatric Surger, 7th edi, Elsevier Saunders, pp. 1331-1339.