BS.Lê Quốc Tùng
Với đặc điểm khí hậu của miền nam Việt Nam là nhiệt đới gió mùa. Điển hình với 2 mùa : mùa nắng và mùa mưa, quanh năm nhiệt độ dao động từ 25 – 35 oC. Nhiệt độ nóng ẩm do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, vi-rút, vi nấm, ký sinh trùng,… phát triển. Vì thế, để chăm sóc tốt cho con trẻ và chủ động hơn trong việc phòng bệnh cho con trong mùa nắng nóng này, cha mẹ cần lưu ý một số bệnh thường xảy ra ở trẻ em như:
1. Tiêu chảy cấp – Ngộ độc thức ăn:
Bệnh phổ biến ở trẻ em < 5 tuổi ở các nước đang phát triển, do đó nếu không được chăm sóc, điều trị, đúng cách, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ sau này.
Khi trẻ bị tiêu chảy cha mẹ cần chú ý bù đủ nước cho trẻ. Tái khám kịp thời khi: trẻ đi tiêu nhiều lần, phân nhiều nước hơn; khát nhiều, kích thích, vật vã; sốt cao; phân có nhầy đàm hoặc máu; nôn ói mọi thứ; không ăn uống được.
Dự phòng: nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng , cho trẻ dùng vắc-xin phòng: Rotavirus, tả, thương hàn…
2. Viêm đường hô hấp trên cấp tính:
Là bệnh lý thường gặp cũng như nguyên nhân hàng đầu đưa trẻ đến khám bệnh, biểu hiện gồm: sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, buồn nôn, nôn…Bệnh thay đổi từ nhẹ (có thể tự giới hạn) đến nặng, nguy kịch.
Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng – mũi họng, giữ ấm cho trẻ, sử dụng thuốc giảm đau – hạ sốt, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.
Tái khám ngay nếu: sốt cao, đau đầu tăng dần, nôn ói, ăn uống kém, khó thở, thở nhanh, tím tái.
3. Bệnh nhiễm siêu vi: Là tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các biểu hiện: sốt, phát ban, ho, nhảy mũi, ngứa mũi chảy nước mắt, đau đầu, đau cơ, đau mắt,… một số có thể biếng ăn, nôn ói, mệt mỏi nhiều làm người thân lo lắng. Bệnh có thể tự giới hạn sau 5 – 7 ngày nếu được chăm sóc và theo dõi đúng cách. Tuy nhiên có một số tác nhân siêu vi gây bệnh nguy hiểm mà cha mẹ cần chú ý như:
a. Viêm não Nhật Bản:
– Là một tình trạng bệnh nặng với các tổn thương viêm khu trú hay lan tỏa toàn bộ tại các vùng khác nhau của não. Tỷ lệ mắc bệnh và nguyên nhân gây bệnh rất khác nhau nhưng có tỷ lệ tử vong và di chứng nặng khá cao (bại não, chậm phát triển, yếu liệt, động kinh, co giật, …).
– Bệnh lây truyền do bị muỗi đốt với các biểu hiện: sốt cao > 39oC, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu lỏng, mê sảng, vật vã, kích thích, nặng hơn có thể yếu liệt, co giật, hôn mê.
Dự phòng cho trẻ bằng cách: vệ sinh môi trường, cho trẻ ngủ mùng tránh muỗi đốt, tiêm ngừa vắc-xin.
b. Bệnh tay chân miệng:
– Đây là một bệnh cấp tính lây truyền qua đường tiêu hóa do vi-rút đường ruột, thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 3 tuổi; trẻ dưới 6 tháng tuổi ít nguy cơ mắc bệnh do có kháng thể của mẹ truyền lại.
– Bệnh xảy ra quanh năm, cao nhất từ tháng 3 – 5, tháng 9 – 12, có thể dễ dàng lây lan thành dịch bệnh, với các biểu hiện hồng ban, mụn nước, bóng nước tập trung chủ yếu ở tay, chân, loét miệng, bệnh có khả năng diễn tiến rất nặng với cáo biểu hiện: sốt cao, run chi, co giật, giật mình, chới với, hốt hoảng, đi đứng loạng choạng, khó thở, nhịp tim nhanh,… Do đó cha mẹ cần theo dõi sát trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu trên và đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám và chữa trị kịp thời.
– Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, dự phòng chủ yếu dựa vào giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi của trẻ, vật dụng, sàn nhà…
c. Sốt xuất huyết Dengue:
– Bệnh xảy ra quanh năm, với tình trạng sốt cao liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Kèm theo: đau nhức cơ, đau hốc mắt, nôn ói, đau bụng, sung huyết da, nặng hơn là tình trạng xuất huyết (chấm/mảng xuất huyết, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn máu, tiêu máu, tiêu phân đen,…); Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
– Bệnh Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù đủ nước cho trẻ, và theo dõi các dấu hiệu như: vật vã, lừ đừ, tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều, tiểu ít, chảy máu mũi, nôn máu, tiêu máu …cha mẹ nên đưa trẻ tái khám ngay.
Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, dự phòng dựa vào: vệ sinh môi trường, tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng.
4. Một số bệnh lý khác: với thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu, hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.
Do đó khi ra ngoài trời nắng, cha mẹ cần cho trẻ đội nón, mặc quàn áo chống nắng. Đặc biệt, cần bổ sung nhiều nước, muối khoáng, nước hoa quả tươi để cung cấp đủ vitamin và chất điện giải cho trẻ.
Tài liệu tham khảo:
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Bộ Y tế.
Sách giáo khoa nhi khoa, NXB Y học.
Nhi khoa tập I,II, Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, Bộ môn nhi, NXB Đại học quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
Phác đồ điều trị nhi khoa 2020 1,2, Bệnh viện Nhi Đồng 1, NXB Y học.