Huỳnh Uyển Nhi
Mày đay là một tình trạng da phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi và đây cũng là biểu hiện thường hay gặp của bệnh nhân tại các phòng cấp cứu, phòng khám da liễu, phòng khám dị ứng.
Hiện tượng trẻ bị nổi mề đay là gì?
Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, sức đề kháng yếu do đó rất dễ bị các yếu tố gây bệnh tấn công dẫn tới nổi mề đay. Nổi mề đay ở trẻ em là tình trạng da bé xuất hiện các nốt mẩn ngứa khi tiếp xúc với các dị nguyên.
Gồm 2 loại:
- Cấp tính (triệu chứng bùng phát đột ngột, kéo dài vài tiếng hoặc dưới 6 tuần, có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị)
- mãn tính (các triệu chứng bệnh xảy ra nhiều đợt, kéo dài trên 6 tuần)
Bên cạnh việc phân loại theo thời gian diễn tiến bệnh, mề đay còn được phân độ dựa trên các biểu hiện triệu chứng của trẻ:
- Mức độ nhẹ: trẻ chỉ nổi mề đay, ngứa da, phù môi/mặt.
- Mức độ nặng: trẻ có các triệu chứng như:
+ Mề đay, ngứa da, phù môi/mặt xuất hiện nhanh.
+ Khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
+ Đau bụng, nôn, tiêu chảy…
- Mức độ nguy kịch:
+ Lúc này tình trạng khó thở của trẻ ngày càng nhiều, trẻ thở nhanh, mệt, thở nghe tiếng rít và khò khè tăng lên, trẻ bị tím tái.
+ Rối loạn ý thức: trẻ vật vã, hôn mê, co giật, tiêu, tiểu không tự chủ.
- Mức độ nặng nhất là ngưng tim và ngưng thở.
(Tuy nhiên mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự)
Làm sao để nhận biết trẻ bị nổi mề đay?
Để nhận biết trẻ bị nổi mề đay, cha mẹ có thể dựa vào các biểu hiện bên ngoài như sau:
- Da xuất hiện các nốt màu hồng, đỏ, các nốt riêng lẻ hoặc tạo thành mảng
- Vùng da bị nổi mề đay có ranh giới rõ ràng với các vùng da xung quanh
- Trẻ cảm thấy ngứa ngáy dữ dội, một số trường hợp cảm giác châm chích, nóng rát.
Bên cạnh những triệu chứng tiêu biểu kể trên, trẻ có thể xuất hiện tình trạng phù mạch. Biểu hiện phổ biến phải kể tới vùng tay, chân, miệng, mí mắt, bộ phận sinh dục bị sưng phù. Phù mạch có thể gây đau nhẹ, cũng có thể không gây đau đớn.
Nguyên nhân gây nổi mề đay ở trẻ
Có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó phổ biến nhất phải kể tới:
- Tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: lông chó mèo, phấn hoa, khói bụi,…
- Thực phẩm: tôm, cua, đậu phộng, hải sản,…
- Nhiễm trùng cấp: viêm họng, viêm tai giữa, viêm amidan, cảm lạnh,…
- Do thuốc: các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm penicillin, thuốc giảm đau
- Thời tiết: thay đổi thất thường, nhiệt độ tăng giảm đột ngột. Tình trạng này thường xuất hiện khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột hay nóng ẩm.
- Một số nguyên nhân khác: có thể do côn trùng cắn, ma sát với quần áo, vệ sinh không sạch sẽ, các bệnh về gan, tuyến giáp,…
Ngoài ra, một số trường hợp nổi mề đay ở trẻ em không tìm được nguyên nhân. Những trường hợp này được gọi là mề đay vô căn.
Khi nào cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế?
Cha mẹ không nên chủ quan với bệnh, ngay khi bé xuất hiện các triệu chứng bệnh cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.
Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng như nổi mề đay, khó thở, tím tái, khàn giọng, nôn ói, đau bụng,… và các triệu chứng này tiến triển nhanh, ngày càng tăng dần thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị phù hợp và kịp thời.
Và cha, mẹ cần làm gì để tránh cho con bị nổi mề đay mẩn ngứa?
Mề đay có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, cha mẹ cần lưu ý một số điểm như sau:
- Tránh để bé tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng da. Bởi mề đay có thể xuất phát do một chất kích thích. Do đó, bố mẹ cần ghi nhận, tránh những nguyên nhân dị ứng từ đó ngăn ngừa tái phát hiệu quả.
- Khi tắm cho bé nên dùng các loại xà phòng, sữa tắm nhẹ dịu, không gây dị ứng.
- Cần vệ sinh da ngay khi tiếp xúc với các chất có nguy cơ gây dị ứng cao, tiêu biểu như phấn hoa, lông động vật, mỹ phẩm,…
- Vệ sinh không gian sống thoáng mát, sạch sẽ. Có thể sử dụng điều hòa không khí nhằm cân bằng độ ẩm.
- Vệ sinh tai, mũi, họng thường xuyên cho bé nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Tránh cho bé hoạt động ngoài trời khi gió lớn hay thời tiết thay đổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thông tư 51/2017/TT-BYT “ Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ”.
- Bệnh viện Nhi đồng 2 (2022) “Điều trị Mày đay”, Hướng dẫn điều trị ngoại trú phần Nội khoa, Nhà xuất bản y học, Trang 386-392.
- https://soytethainguyen.gov.vn/tre-em-bi-noi-me-day
- https://nhidongcantho.org.vn/Default.aspx?tabid=113&ndid=11147