Đỗng Thị Yến Nhi – Khoa Dinh Dưỡng
Nói tới “Tết” chúng ta điều nghĩ ngay tới ngày đoàn tụ gia đình, bạn bè, hướng về cội nguồn, tổ tiên… là dịp có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi sau những ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý, nhất là đối với trẻ em, người già, người mắc các bệnh mạn tính.
Đặc trưng của ngày Tết, là mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, vận động chân tay giảm, do đó mức tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Trong khi việc cung cấp năng luợng thì ngược lại, các thực phẩm trong dịp Tết có năng lượng rất cao, có nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật, trong khi lại ít rau xanh, đây chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường… cụ thể như bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, nhưng lại là món cung cấp năng lượng rất lớn, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng chén cơm.
Việc dùng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt… thì không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường… Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng. trong khi, Rau, trái cây, đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo … thì lại ít dùng trong những ngày đầu xuân.
Vì vậy, để mỗi dịp Tết đến, Xuân về thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần, mỗi người chúng ta cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình: Cần duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, ăn uống đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, tránh làm phát sinh các bệnh lý về đường tiêu hóa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Đối với người bình thường nên ăn ít nhất 5 suất rau và trái cây một ngày (mỗi suất tương đương 80g) để giảm nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, béo phì. Bên cạnh đó, cần chú ý cung cấp đủ nước uống (>2 lít nước/ngày) để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước. Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút… cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.
Phải ăn theo mức độ vừa phải, lưu ý ăn thêm các món cá nấu, cá kho. Ngoài ra, nên ăn xen kẽ các bữa bằng rau. Như vậy sẽ đảm bảo cân đối hơn đỡ dư thừa năng lượng. Đối với người trưởng thành ăn 200 gam rau xanh 1 bữa. Đối với trẻ, bố mẹ nên duy trì 4 nhóm thực phẩm như: tinh bột, rau xanh, đạm, chất béo.
“Thực phẩm thường được dự trữ, chế biến với số lượng lớn, sử dụng trong thời gian dài ngày, việc hâm đi hâm lại thức ăn cũ, thức ăn nhanh bị ôi thiu, chua, hỏng trong thời tiết nóng bức ngày tết, tiếc “ăn mót” trái cây chưng trên bàn thờ suốt những ngày tết… càng làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình”.
Hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, mứt tết, bánh nếp, thức ăn nhanh…. Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới cho vào trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh (nơi có nhiệt độ thấp), thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm
Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách để thực phẩm tươi ngon, giữ được giá trị dinh dưỡng và an toàn, đảm bảo sức khỏe được nhiều gia đình quan tâm. Đối với những thực phẩm chín (bánh chưng, bánh tét, giò, chả, giò xào…), người dân có thể bảo quản trong điều kiện thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp.
Mong rằng mọi người, mọi nhà chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết, đồng thời cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn tăng cường rau quả, hạn chế thịt, phủ tạng động vật, hải sản, rượu bia, bánh.
Kính chúc Bà con đón năm mới an vui, hạnh phúc, đảm bảo sức khỏe !
===============================================================================
Tài liệu tham khảo: Viện dinh dưỡng, Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm.