CN. NGUYỄN THỊ MỸ HÒA
I. ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG TRONG XÉT NGHIỆM HÓA SINH
Đảm bảo chất lượng bao gồm toàn bộ chính sách, pháp qui, kế hoạch về đào tạo con người, trang thiết bị máy móc, lựa chọn phương pháp kỹ thuật và thuốc thử để làm xét nghiệm (XN) đạt được độ tin cậy mà thầy thuốc lâm sàng có thể dựa vào nó trong việc chẩn đoán và điều trị .
Đảm bảo chất lượng nhằm tạo điều kiện tối ưu, hạn chế mức thấp nhất những sai sót có thể xảy ra trong 3 giai đoạn của quá trình xét nghiệm: trước, trong và sau XN, để cung cấp những XN có hiệu quả tối đa cho sức khỏe bệnh nhân và cộng đồng.
Nhân viên Khoa Xét Nghiệm chạy chuẩn cho máy Cobas6000 mỗi buổi sáng trước khi làm trên máu người bệnh
1. Việc đảm bảo chất lượng gồm:
+ Công tác nội kiểm tra lẫn ngoại kiểm tra.
+ Yếu tố liên quan đến công tác trước, trong và sau XN như chuẩn bị cho bệnh nhân lấy mẫu XN, vận chuyển và bảo quản bệnh phẩm, làm xét nghiệm, cho kết quả XN và sử dung kết quả XN trong lâm sàng.
Đảm bảo chất lượng xét nghiệm cũng cần chú ý đến những hoạt động nhằm đảm bảo sự tin cậy cho kết quả xét nghiệm.
+ Công tác quản lý tốt XN.
+ Chất lượng của đội ngũ cán bộ kỹ thuật.
+ Các kỹ thuật xét nghiệm được sử dụng.
2. Để đảm bảo chất lượng trong xét nghiệm sinh hóa cần đảm bảo chất lượng trong 3 bước:
+ Giai đoạn trước xét nghiệm: gồm chuẩn bị làm xét nghiệm, chuẩn bị bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển mẫu, chuẩn bị thuốc thử, chuẩn hóa thiết bị.
+ Giai đoạn xét nghiệm gồm tất cả những bước tiến hành xét nghiệm: Từ khi máy hút mẫu bệnh phẩm, thêm thuốc thử và mẫu bệnh phẩm, làm phản ứng cho tới tính kết quả xét nghiệm.
+ Giai đoạn sau xét nghiệm: Đó là giai đoạn sử dụng kết quả xét nghiệm để biện luận lâm sàng.
Đảm bảo chất lượng trong tiến hành xét nghiệm là kiểm tra chất lượng xét nghiệm nhằm mục đích phát hiện các sai số trong quá trình làm xét nghiệm và hạn chế đến mức tối thiểu các sai số trên.
II. KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
Kiểm tra chất lượng là một khâu của đảm bảo chất lượng nhằm phát hiện sai số, tìm nguyên nhân gây sai số, và từ đó đề ra các biện pháp chế ngự hay khắc phục, tức là tiếp tục cải thiện điều kiện xét nghiệm, tăng cường công tác đảm bảo chất lượng. Có thể nói đảm bảo chất lượng là những biện pháp dự phòng, kiểm tra chất lượng là phương pháp đánh giá các biện pháp dự phòng đó đã tốt chưa. Nếu chưa thì cần có biện pháp đảm bảo chất lượng mới và sau đó biện pháp mới này lại được đánh giá bằng kiểm tra chất lượng.
Chỉ có thực hiện đảm bảo chất lượng và kiểm tra chất lượng một cách liên tục, không ngừng thì mới có thể đảm bảo một kết quả xét nghiệm tin cậy. Tuy nhiên dù có làm đảm bảo chất lượng và kiểm tra chất lượng tốt đến đâu thì cũng không thể loại trừ hoàn toàn sai số, không thể đưa chúng về 0 được mà chỉ có thể thu nhỏ trong một khoảng giới hạn chấp nhận được. Giới hạn này phụ thuộc vào bản chất của chất cần XN và phương pháp được dùng để định lượng chúng trong phòng xét nghiệm.
Kiểm tra chất lượng không chỉ là một công cụ để đánh giá kết quả XN, nó còn có tính cách pháp lý. Dựa vào kiểm tra chất lượng phòng xét nghiệm có thể quyết định trả kết quả XN hay cần làm lại và có thể cam đoan trước pháp luật là kết quả XN của mình làm là đạt độ tin cậy cho phép.
Bản chất của sai số trong quá trình làm xét nghiệm:
Ở mỗi bước trong quy trình làm xét nghiệm đều có những sai sót không thể tránh khỏi. Đó là những sai số kỹ thuật gồm 3 loại:
+ Sai số ngẫu nhiên
Không chính xác xảy ra một cách ngẫu nhiên, thường không thể tránh khỏi.
Sai số bất ngờ có thể do nhiều nguyên nhân:
- Ảnh hưởng của mẫu
- Máy móc ảnh hưởng dòng điện
- Thiết bị không ổn định
- Bệnh phẩm bị đóng cục
+ Sai số hệ thống:
- Sai lệch phương pháp
- Sai lệch dụng cụ
- Sai lệch lô thuốc thử
- Calibration
+ Sai số thô bạo:
- Không thực hiện đúng thủ tục
- Nhầm lẫn thuốc thử, dụng cụ đo lường, bước sóng