Bs Trần Thị Ngọc Hoà
Bs Trương Đan Kha
(Khoa YHCT-PHCN)
Là phương pháp dùng lực cơ học tác động theo chiều dọc của cột sống nhằm làm giãn nở khoảng cách các gian đốt để đem lại hiệu quả điều trị.
1. Tác dụng cơ học:
– Làm giãn cơ tích cực: trong bệnh lý đau cột sống, sự kích thích rễ thần kinh và đau làm cơ co cứng phản xạ. Kéo giãn cột sống sẽ tác động lên cơ gây giãn cơ thụ động, giảm co cứng cơ và cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau.
– Làm giảm áp lực nội đĩa đệm: lực kéo giãn dọc theo cột sống sẽ tác động vào nhiều điểm khác nhau làm các khoang đĩa đệm được giãn rộng, làm áp lực nội đĩa đệm giảm, và dẫn đến hệ quả là:
• Làm tăng thẩm thấu nuôi dưỡng đĩa đệm, giúp nhân nhầy và đĩa đệm căng phồng trở lại, tăng dinh dưỡng cho đĩa đệm do đó làm giảm quá trình thoái hóa của đĩa đệm.
• Có thể giúp giảm thể tích đĩa đệm bị lồi hoặc thoát vị nếu khối thoát vị chưa bị xơ hóa
– Điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và cột sống: trong thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm
– Giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh cột sống: do làm tăng kích thước lỗ tiếp hợp, giảm thể tích khối thoát vị,… từ đó làm giảm kích thích rễ và giảm đau.
2 . Tác dụng điều trị:
– Giảm đau: do làm giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ.
– Tăng tầm vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.
3. Chỉ định:
– Thoái hóa đốt sống chèn ép thần kinh gây đau lưng, đau thần kinh tọa, đau cổ vai cánh tay.
– Thoát vị đĩa đệm vừa và nhẹ.
– Hội chứng đau lưng và thắt lưng do nguyên nhân ngoại vi (cơ,dây chằng)
– Vẹo cột sống do tư thế
(Máy kéo cột sống tại Bệnh viện Sản Nhi)
4. Chống chỉ định:
– Tổn thương thực thể cột sống: ung thư, lao cột sống, viêm tấy abscess vùng lưng.
– Chấn thương cột sống có gãy xương biến dạng.
– Bệnh lý tủy sống và ống sống.
– Thoái hóa cột sống có các cầu xương nối các đốt sống.
– Viêm cột sống dính khớp
– Loãng xương nặng
– Người bệnh già suy kiệt
– Cao huyết áp các bệnh tim nặng
– Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt.
5. Các chế độ kéo giãn cột sống.
5.1. Chế độ kéo giãn liên tục.
Là chế độ mà lực kéo tác động liên tục và không thay đổi lên 1 vùng cột sống trong suốt quá trình kéo. Chế độ này được áp dụng trong trường hợp đau cấp tính làm các cơ cạnh sống bị co cứng.
5.2. Chế độ kéo giãn ngắt quãng
Là chế độ mà lực kéo có thể thay đổi trong quá trình kéo để tránh gây mỏi cơ và căng thẳng kéo dài cho cột sống. Chế độ này được áp dụng cho trường hợp đau mạn tính với tình trạng co cứng cơ không đáng kể. Kéo ngắt quãng có các kiểu như sau:
– Kéo ngắt quãng không có lực nền: hay lực nền bằng 0, chế độ này làm cho sự thay đổi về lực lớn trong khi kéo, có thể làm cho cột sống không đủ thời gian để thích nghi.
– Kéo ngắt quãng có lực nền: là phương pháp hợp sinh lý nhất, làm cho cột sống vừa có thời gian nghỉ hợp lý vừa không bị thay đổi lực quá nhiều.
6. Các tai biến và biến cố.
– Đau tăng đột ngột ở vùng kéo: do giảm áp lực nội đĩa đệm một cách đột ngột, do các thành phần phần mềm (cơ, dây chằng) bị kéo căng đột ngột.
Xử trí: dừng kéo, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ đến khi hết đau.
– Cảm giác choáng váng, rối loạn mạch do kích thích thần kinh thực vật dọc cột sống, đặc biệt là cột sống cổ. Thay đổi huyết áp do phản xạ.
– Đau cấp đột ngột sau kéo: sau khi kéo cột sống thắt lưng mà đứng dậy ngay làm áp lực nội đĩa đệm bị tăng lên đột ngột làm đĩa đệm bị kẹt có thể gây đau và tê 2 chi dưới.
Xử trí: cho bệnh nhân nằm trở lại bàn kéo và tiến hành kéo lại ở chế độ kéo liên tục với lực kéo bằng 2/3 lực kéo ban đầu, sau đó cứ 5 phút lại giảm lực kéo đi 4-5kg cho đến khi hết đau. Dự phòng đau cấp sau kéo bằng cách cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ bằng thời gian kéo.
– Đau tăng vùng thắt lưng sau lần kéo đầu tiên: là do lực kéo hơi cao so với sức chịu đựng của bệnh nhân.
Xử trí: ở các lần kéo sau cần giảm lực kéo.
– Tuột đai cố định, đứt dây kéo…
Nguồn:
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục Hồi Chức Năng năm 2014
- Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành phục hồi chức năng Bộ Y tế 2014