Trần Phú Quý – Khoa ICU Nhi
Sinh non được định nghĩa là trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi thai. Trẻ sinh non không chỉ đối mặt với những thách thức tức thời về sức khỏe mà còn phải chịu ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Trên toàn cầu, sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tại các nước đang phát triển, 50% trẻ sinh ra dưới 32 tuần bị tử vong do thiếu các dịch vụ chăm sóc hiệu quả, ít tốn kém như ổn định thân nhiệt, hỗ trợ bú mẹ, phòng ngừa nhiễm trùng và xử trí suy hô hấp.
- Tại sao trẻ bị sinh non?
Sinh non có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, tạo nên một bức tranh phức tạp về sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Khi phụ nữ đã từng sinh non sẽ có nguy cơ cao tái phát trong các lần mang thai tiếp theo. Các bệnh lý thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng tử cung hoặc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, cũng có thể dẫn đến tình trạng sinh non. Bên cạnh đó, lối sống không lành mạnh của người mẹ như hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, tuổi mẹ dưới 18 tuổi hoặc trên 35 tuổi đều có nguy cơ sinh non.
- Hậu quả của sinh non
Trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng và hậu quả lâu dài. Trước hết, hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý như bệnh màng trong, viêm phổi bẩm sinh, thiểu sản phổi, điều này có thể đe dọa tính mạng. Thêm vào đó, sự phát triển của não bộ cũng bị ảnh hưởng, gây khó khăn trong việc học tập và tư duy khi trẻ lớn lên. Các vấn đề về tim mạch và thần kinh cũng thường gặp ở trẻ sinh non, khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí là bại não. Hơn nữa, hệ miễn dịch yếu kém khiến trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm, làm tăng nguy cơ tử vong và các biến chứng nghiêm trọng.
- Hành động vì tương lai của trẻ sinh non
Chăm sóc trẻ sinh non không chỉ là trách nhiệm của các bậc phụ huynh mà còn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, các tổ chức y tế và chính phủ. Ngày thế giới vì trẻ sinh non là cơ hội để vận động việc chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh cho mọi trẻ em ở khắp mọi nơi, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của lợi ích mà những phương pháp giúp cứu sống trẻ em như tiếp xúc da kề da ngay sau sinh và chăm sóc kiểu Kangaroo cho trẻ sinh non, khuyến khích trẻ sơ sinh bú mẹ, giảm mức độ căng thẳng và tăng cường gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non.
- Các biện pháp chăm sóc trẻ sơ sinh (theo hướng dẫn của Bộ Y Tế Việt Nam)
– Các phụ nữ được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được tiếp cận chăm sóc và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả.
– Cần sinh con theo kế hoạch, bảo đảm theo khuyến cáo (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quả dày).
– Chăm sóc thai nghén: Tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý một số nội dung: dinh dưỡng; tránh các chất kích thích; giảm stress.
– Chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân bằng phương pháp Kangagoo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2175/QĐ-BYT ngày 25/7/2024.
– Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
– Theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ẩm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.
- Kết quả điều trị 248 trẻ sơ sinh non tháng từ 26 đến 34 tuần tại bệnh viện Sản Nhi An Giang từ 06/2023 – 06/2024 (đơn vị: %)
- Thông điệp ngày thế giới vì trẻ sinh non năm 2024
“Hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp và hành động vì tương lai của các em”. Ngày Thế giới vì trẻ sinh non là cơ hội để chúng ta cùng nhau hành động, lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ. Hãy cùng nhau tạo ra một tương lai tươi sáng cho các em, để mỗi trẻ sinh non đều có cơ hội phát triển khỏe mạnh và tiếp cận dịch vụ chăm sóc tốt nhất!
Tài liệu tham khảo:
- World Health Organization, Children: improving survival and well-being, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/children-reducing-mortality
- “Kết quả điều trị trẻ sơ sinh non tháng 26 – 34 tuần tại bệnh viện Sản Nhi An Giang”, Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2024.
- Bộ Y Tế (2024), “Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác chăm sóc, điều trị sơ sinh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, ban hành kèm quyết định số 2681/QĐ-BYT.