Ảnh minh họa ( sưu tầm từ Internet)
Gây mê đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của mọi cuộc phẫu thuật. Thực tế cho thấy, đối với những ca mổ kéo dài trong nhiều giờ thì việc gây mê và duy trì mê cho người bệnh đòi hỏi tay nghề và sự tập trung cao của các chuyên viên gây mê.
Khi bạn hay người thân của mình có vấn đề sức khỏe và bác sĩ nói rằng “bệnh này cần phẫu thuật (mổ)” hoặc trong lúc theo dõi thai hay trong lúc chuyển dạ, bác sĩ nói rằng “bạn cần phải sanh mổ”. Điều này có thể xảy ra với bất cứ ai và tất nhiên, chúng ta sẽ rất lo lắng, hoang mang…
Vâng, nỗi lo lắng, hoang mang này sẽ giảm đi rất nhiều sau khi các bạn được chúng tôi
- nhân viên BVSN An Giang tư vấn, giải thích cặn kẽ, hướng dẫn chu đáo. Sau đây là những hướng dẫn, giải thích dành cho bạn và thân nhân trước khi phẫu thuật:
1. Thủ tục hành chánh và chuẩn bị người bệnh trước mổ:
Nếu Bác sĩ khuyến cáo phẫu thuật, bạn sẽ được Bác sĩ tư vấn, giải thích các vấn đề liên quan đến phẫu thuật, phương pháp giảm đau trong lúc mổ và sau mổ. Gây tê hay gây mê khiến bạn không còn cảm nhận đau đớn và các cảm giác khác. Những nguy cơ có thể gặp của gây mê như: mệt mỏi, đau họng và nôn mửa….Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ của gây mê như phẫu thuật liên quan đến tim não, phẫu thuật cấp cứu, người bệnh có bệnh từ trước, tuổi cao, béo phì…Các trường hợp này, Bác sĩ phẫu thuật sẽ hội chẩn với Bác sĩ gây mê hồi sức để lựa chọn phương pháp gây mê tốt nhất cho từng người bệnh.
Phẫu thuật không đau có khả thi không? Hoàn toàn khả thi. Bác sĩ gây mê hồi sức sẽ lên kế hoạch gây mê và giảm đau an toàn, chặt chẽ cho bạn.
Chuyên viên gây mê hồi sức là bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về gây mê và hồi sức. Hãy nói cho chuyên viên gây mê biết nếu bạn có các vấn đề sau: Nếu bạn có tiền sử dị ứng? Đặc biệt là dị ứng với thuốc gì? Bản thân hoặc gia đình có dùng thuốc kháng đông hoặc mắc bệnh hay chảy máu? Tiền sử bản thân hoặc có người thân bị tai biến trong lúc mổ?
Tiền sử có sốt cao do gây mê? Bác sĩ gây mê sẽ xem xét tiền sử y khoa, phản ứng của người bệnh với thuốc gây mê trước đây, tiền sử dị ứng, các thuốc đã dùng. Kiểm tra đường hô hấp, tim phổi và các cơ quan khác.
Bạn sẽ được tư vấn nhịn ăn trước phẫu thuật. Điều này rất quan trọng, bạn hãy nhớ thực hiện đúng hướng dẫn để đảm bảo cuộc mổ thuận lợi.
Sau khi được tư vấn, giải thích đầy đủ, cặn kẽ, bạn và thân nhân sẽ ký tên vào giấy “Cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật, phẫu thuật” theo qui định chung của bệnh viện.
Trước khi phẫu thuật bạn, sẽ được kiểm tra tổng quát một lần nữa để phát hiện bất kỳ bất thường nào. Bạn sẽ được đánh giá dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp và đo độ bảo hòa oxy gắn trên ngón tay bạn. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp vô cảm và phương pháp phẫu thuật để đảm bảo cuộc mổ diễn ra thuận lợi nhất và an toàn nhất.
2. Trong lúc mổ
– Khởi mê:
Đây là bước đầu tiên của gây mê toàn thân, chuyên viên gây mê sẽ dùng thuốc mê để làm cho bạn mất cảm giác. Bác sĩ yêu cầu bạn đếm đến 10, bạn sẽ ngửi được mùi giống như mùi nước sơn móng tay, chẳng bao lâu bạn đã ngủ yên. Gây mê làm cho bạn mất cảm giác. Gây mê có thể dạng hít hoặc dạng tiêm vào tĩnh mạch.
Ngoài gây mê còn có gây tê tại chỗ, hoặc gây tê vùng. Gây tê vùng ngăn chặn cơn đau từ những khu vực cụ thể nào đó trên cơ thể như vùng bụng dưới, chi dưới, cánh tay… Bạn vẫn nhận biết mọi thứ xung quanh bạn trừ khi bạn được cho dùng thêm thuốc an thần.
– Duy trì mê:
Sợ phải tỉnh giấc giữa chừng để chứng kiến ca mổ của chính bạn ư? Bạn đừng lo lắng nhé! Khí mê sẽ được duy trì qua mặt nạ thở hoặc ống thở (gọi là ống nội khí quản). Thuốc, lượng dịch truyền, nhịp thở, nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy trong máu của bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo bạn không nhận biết gì về cuộc mổ mà vẫn rất an toàn cho bạn.
3. Sau mổ
– Thoát mê:
Phù, ca mổ đã xong. Bạn sẽ từ từ tỉnh lại trong vài phút. Bạn sẽ được chuyển đến phòng Chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thuốc giảm đau tối ưu, làm sao để bạn không đau và cảm thấy dễ chịu nhất.
Một số trường hợp, sau khi gây tê, bạn sẽ bị lạnh run hoặc nôn ói. Không sao, bạn sẽ được sưởi đèn hoặc dùng 1 ít thuốc chống nôn và bạn sẽ cảm thấy dễ chịu ngay. Bạn có thể bị buồn ngủ, đau họng hoặc khô miệng. Không sao, bạn sẽ được theo dõi cẩn thận và cảm giác khó chịu ấy sẽ giảm dần.
– Hồi sức:
Khi tình trạng tạm ổn, bạn sẽ được chuyển về Khoa hậu phẫu và được chăm sóc bởi người thân của mình.
Hãy nhớ chúng tôi luôn ở bên bạn. Hãy yêu cầu giúp đỡ nếu bạn thấy khó khăn khi đi tiểu, sốt, chảy máu hay có bất kỳ biến chứng nào khác.
Xin chúc mừng vì ca phẫu thuật của bạn đã thành công. Bạn đang ở cùng những người thân yêu của mình. Các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh của chúng tôi luôn ở bên cạnh chăm sóc và giúp đỡ các bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức
Bệnh viện Sản Nhi An Giang