Bs Trần Ngọc Phước _ Khoa Sơ Sinh
Nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng là tình trạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nhiều người còn cho rằng trẻ sơ sinh đi tiểu ra màu hồng là do nước tiểu có lẫn máu. Vậy, liệu nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng có phải là một vấn đề nguy hiểm?
Hội chứng tã hồng là tình trạng nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng nhạt (hoặc màu cam khi tiếp xúc với không khí). Hội chứng tã hồng thường bị nhầm lẫn thành nước tiểu có lẫn máu và ngược lại. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh đi tiểu ra màu hồng trong vài ngày đầu sau sinh là một tình trạng phổ biến và hết sức bình thường.
Nguyên nhân nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng là do tinh thể urat trong nước tiểu. Tinh thể urat (tinh thể axit uric) là muối được tạo ra từ sự kết hợp của canxi và urat, những chất thường được tìm thấy trong nước tiểu.
Các tinh thể của chất này thường để lại vết bột nhám như phấn màu hồng, màu gạch hoặc đỏ cam trong tã của bé, và có mùi nước tiểu, thay vì mùi kim loại như máu. Đây là dấu hiệu nước tiểu bị cô đặc do em bé bị mất nước hoặc hơi thiếu nước, phổ biến ở trẻ đang bú mẹ do mẹ chưa tạo được nguồn sữa tốt và có thể phổ biến hơn ở các bé trai.
Các tinh thể urat khiến nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng sẽ biến mất khi trẻ bắt đầu hấp thụ nhiều chất lỏng hơn, nghĩa là, tình trạng này sẽ được khắc phục khi:
Sữa mẹ được tiết ra đều đặn, thường xuyên hơn
Trẻ sơ sinh ngậm bắt vú đúng cách
Trẻ bú thường xuyên hơn
Bé bú đủ sữa mẹ.
Khi trẻ được cung cấp đủ chất lỏng, các bé sẽ có ít nhất 6-8 chiếc tã ướt mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ không được cung cấp đủ lượng sữa cần thiết, bé có thể bị mất nước. Mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nguy hiểm.
- Nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng có nguy hiểm không?
Hội chứng tã hồng là một tình trạng lành tính và không có gì đáng lo ngại. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra ở trẻ em trong 4 ngày đầu tiên sau khi sinh. Do đó, nếu hội chứng tã hồng xảy ra hay trẻ sơ sinh đi tiểu ra màu hồng trong 4 ngày này, cha mẹ không cần quá lo lắng. Nếu trẻ bú mẹ, điều quan trọng là cần tìm cách để đảm bảo mẹ nguồn sữa chất lượng, đủ dinh dưỡng và đủ nhiều để đáp ứng nhu cầu phát triển của bé.
Sau ngày thứ 5, bạn sẽ thấy ít nhất 6-10 tã ướt mỗi ngày và nước tiểu phải có màu vàng. Màu vàng của nước tiểu có thể từ nhạt đến đậm. Màu càng đậm thì nước tiểu càng đậm đặc, tức là trẻ không được cung cấp đủ lượng chất lỏng. Nếu bé bị ốm, sốt hoặc thời tiết quá nóng, thì lượng nước tiểu thông thường của bé có thể giảm một nửa. Đây là một tình trạng bình thường.
Tuy nhiên, nếu sau 4-5 ngày đầu tiên, bạn vẫn tiếp tục thấy nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng, hãy đưa trẻ đi khám. Các bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân là do nguồn sữa mẹ hoặc cho bú chưa đủ hay do bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác.
Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm và quan sát các dấu hiệu mất nước của bé, bao gồm giảm tiết nước bọt, môi khô, tã không ướt sau 6 giờ, lừ đừ, hôn mê… để từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Nhưng miễn là trẻ không bị mất nước, nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng do tinh thể urat sẽ không có gì đáng lo ngại.
Nguồn:
- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
- Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
- Gomella’s Neonatology