HỞ THÀNH BỤNG BẨM SINH

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
BS. Đào Thành Trung – Khoa Ngoại Nhi

1. Định nghĩa

Hở thành bụng bẩm sinh (tên tiếng anh là gastroschisis). Hở thành bụng bẩm sinh là dị tật bẩm sinh của thành bụng khiến ruột và một số cơ quan khác của trẻ bị thoát ra ngoài qua một cái lỗ bên cạnh rốn. Lỗ có thể nhỏ hoặc lớn và thậm chí dạ dày và gan cũng có thể thoát ra bên ngoài cơ thể bé.

Hở thành bụng bẩm sinh

Hở thành bụng xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai, khi các cơ trong thành bụng được hình thành không bình thường và tạo ra lỗ cho phép ruột và các cơ quan khác chạy ra bên ngoài cơ thể, thường lỗ này ở phía bên phải của rốn. Do ruột không được bọc trong túi bảo vệ và tiếp xúc với nước ối, nên ruột có thể bị kích thích, khiến chúng bị rút ngắn, xoắn hoặc sưng.

Hở thành bụng là một trong những dạng khiếm khuyết ở thành bụng trẻ sơ sinh với đặc điểm đường kính lỗ khiếm khuyết <4cm và không có màng bao phủ. Tạng thoát vị có thể là ruột, dạ dày, và cả mô tuyến sinh dục.

Trường hợp hở thành bụng nhỏ dễ nhầm với thoát vị cuống rốn (tên tiếng Anh là umbilical hernia). Thoát vị cuống rốn xảy ra khi một phần ruột trẻ chạy ra ngoài qua khe hở ở cơ bụng, làm phình rốn tạo thành một khối rốn lồi, diễn ra khi trẻ được sinh ra. Ở trẻ sơ sinh, thoát vị rốn có thể xảy ra rõ ràng hơn khi trẻ khóc, khiến khối thoát vị nhô ra. Thoát vị rốn của trẻ thường tự đóng trong hai năm đầu đời, mặc dù một số vẫn mở cho đến năm thứ năm hoặc lâu hơn.

2. Triệu chứng

Hở thành bụng bẩm sinh có thể dễ dàng phát hiện trước sinh bằng siêu âm. Trẻ sơ sinh mắc dị tật này lỗ mở từ 2 – 5 cm, khoang bụng nhỏ hơn bình thường và ruột và các cơ quan khác không có túi màng bao phủ khi bị chạy ra ngoài ổ bụng. Lỗ mở này thường được tìm thấy ở bên phải, liền kề với dây rốn ở bên trái. Dạ dày, ruột non và ruột già là những cơ quan phổ biến nhất bị chạy ra ngoài bụng.

Ruột sưng nhẹ, viêm, dày, ngắn và phủ một lớp vỏ xơ dày do tiếp xúc với nước ối trong thai kỳ. Ruột có hiện tượng bị ruột quay bất toàn, có nghĩa là ruột không sắp xếp như bình thường ở trong bụng, khiến mạc treo chung bị hẹp lại và dẫn tới ruột non dễ bị xoắn lại với lại. Điều này có thể gây ra xoắn ruột, ngăn chặn dòng máu đến nuôi dưỡng ruột và cuối cùng dẫn tới hoại tử ruột.

Chức năng ruột bị trì hoãn ở hầu hết trẻ sơ sinh do kém hấp thu và giảm trương lực. Các vấn đề bệnh lý khác hay đi kèm với rối loạn này có thể là nhiễm trùng đường ruột, mất nước và hạ thân nhiệt. Ngoài ra, trẻ có hở thành bụng bẩm sinh cũng có vấn đề dị tật khác như như ruột ngắn hơn bình thường, chậm phát triển trước khi sinh, sinh non hoặc bất thường về tim.

3. Xử trí

Cần có sự phối hợp đa chuyên khoa trong việc chăm sóc bênh nhân hở thành bụng. Do thường các bé hở thành bụng là sinh non vì thế việc phục hồi thành bụng cần chú ý thân nhiệt, thông khí, diện tích tạng thoát vị.

Khoảng thời gian từ khi sinh đến can thiệp càng ngắn càng tăng khả năng phục hồi thành bụng thì đầu. Đối với trẻ có hở thành bụng bẩm sinh sẽ cần phải phẫu thuật để đóng khiếm khuyết ở bụng và từ từ đưa ruột, các cơ quan khác trở lại bụng. Sau khi tất cả các cơ quan đã được đặt trở lại trong bụng, lỗ hở sẽ được đóng lại hoàn toàn.

Trước và sau phẫu thuật, trẻ sẽ được cho ăn qua đường tĩnh mạch và sau đó, trẻ sẽ dần dần được cho ăn bình thường. Phương pháp điều trị này cho phép trẻ sơ sinh nhận được đầy đủ dinh dưỡng và ruột có thời gian hồi phục để trở lại bình thường.

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •