HO KÉO DÀI Ở TRẺ EM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

BS Trần Trọng Nhân – Khoa Cấp Cứu Nhi

Ho là triệu chứng hô hấp phổ biến nhất khiến trẻ em đi khám bệnh.

Ho thuộc về cơ chế bảo vệ tự nhiên, là phản xạ nhằm tống xuất đàm và vật lạ ra khỏi đường thở.

Khi nào gọi là ho kéo dài?

Ho kéo dài là khi trẻ ho mỗi ngày và liên tục trên 4 tuần.

Đa số các trường hợp ho kéo dài gặp ở trẻ nhỏ (2-3 tuổi). Khoảng 10% trẻ em trong độ tuổi đi học có tình trạng ho kéo dài.

Đây là một vấn đề thật sự đáng lưu ý do mức độ ảnh hưởng của nó với chính bản thân trẻ và cha mẹ. Tại Hoa Kỳ, ho kéo dài ảnh hưởng 5-10% trẻ em mỗi năm và chiếm 30 triệu lượt khám tại phòng khám mỗi năm. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ của Marchant và cộng sự cho thấy trong vòng 12 tháng, khoảng 80% trẻ phải đi khám ít nhất 5 lần, 50% phải đi khám trên 10 lần vì ho kéo dài.

Ho kéo dài còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ: thức giấc về đêm, stress, cảm thấy lo lắng, học tập giảm sút,…

Nguyên nhân gây ho kéo dài

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ho kéo dài, ngoài các nguyên nhân tại phổi (viêm phổi,viêm phế quản, hen suyễn, dị vật đường thở, hội chứng hít tái diễn…) mà còn có thể do những bệnh lý ngoài phổi như viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh tim mạch, ho do thuốc, thậm chí do tâm lý… Trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là hen suyễn, viêm phế quản kéo dài do vi khuẩn và ho do tăng mẫn cảm sau nhiễm virus đường hô hấp.

Tại Việt Nam, trẻ ho kéo dài ngoài các nguyên nhân thường gặp vừa kể đến thì cần đặc biệt lưu ý đến lao phổi. 

Tính chất ho cũng có thể gợi ý một số nguyên nhân như:

  • Ho có đàm (viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản,…) 
  • Ho ra máu (lao phổi, bệnh phổi kẽ, giãn phế quản, bệnh phổi tự miễn)
  • Ho từng tràng, ho cơn đỏ mặt (ho gà, dị vật đường thở, ho do vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma, Chlamydia…)
  • Ho về đêm (viêm mũi xoang, hen suyễn,…)
  • Ho sau khi bú, sau khi ăn, ho khi nằm (trào ngược dạ dày – thực quản)
  • Ho sau khi vận động – gắng sức (hen suyễn)
  • Không bao giờ ho lúc ngủ chỉ ho khi thức, khi căng thẳng (ho do tâm lý)

Cần làm gì cho trẻ bị ho kéo dài?

Trước hết cần lưu ý là mọi trẻ ho kéo dài đều nên được đi khám và xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ có dấu hiệu cảnh báo cần phải đi khám ngay:

  • Khó thở
  • Ho kèm sốt cao
  • Ho ra máu
  • Ho khởi phát đột ngột sau khi trẻ ăn hoặc chơi (gợi ý dị vật đường thở)
  • Ho khạc đàm đặc, màu xanh – vàng, có mùi hôi

 

 

Những trẻ có triệu chứng gợi ý một số nguyên nhân đặc biệt khác cũng cần đến khám càng sớm càng tốt:

  • Ho có đàm kéo dài
  • Thở khò khè
  • Ho kèm sụt cân, đổ mồ hôi về chiều
  • Khó ăn/bú – khó nuốt,…

Các xét nghiệm cần làm cho trẻ ho kéo dài?

Trẻ ho kéo dài sẽ được hỏi bệnh sử chi tiết, khám lâm sàng đầy đủ, trong đó lưu ý đến tiền sử dị ứng, hen phế quản trong gia đình, tiếp xúc với khói thuốc lá, tiếp xúc với với người mắc bệnh lao, yếu tố khởi phát cũng như mức độ ảnh hưởng của ho đến trẻ.

 

Mọi trẻ ho kéo dài nên được đo hô hấp ký (nếu trẻ từ 6 tuổi trở lên), chụp Xquang phổi, xét nghiệm tầm soát lao.

Các xét nghiệm khác sẽ được thực hiện tùy theo tình huống được định hướng qua thăm khám như: chụp CT, nội soi phế quản, chụp Xquang xoang, siêu âm tim, siêu âm bụng, xét nghiệm miễn dịch – dị ứng …

Có nên tự cho trẻ sử dụng thuốc ho?

Cần phải nhấn mạnh lại rằng, điều quan trọng đối với ho kéo dài là phải tìm được nguyên nhân và điều trị thích hợp, hơn là lạm dụng các thuốc ức chế ho.

Riêng về việc sử dụng thuốc ho, cần lưu ý: ho là phản xạ có lợi để bảo vệ đường thở được thông thoáng, giúp trẻ hít thở dễ dàng. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng và tìm đủ mọi cách để kìm hãm phản xạ có lợi này.

Khi trẻ không có dấu hiệu gợi ý bệnh lý cụ thể nào, Xquang phổi, hô hấp ký và các xét nghiệm định hướng (nếu có) bình thường, trẻ có thể sử dụng các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn cho trẻ (lá thường xuân,..). Bên cạnh đó áp dụng các phương pháp giảm ho không dùng thuốc như: duy trì đủ nước giúp làm loãng dịch tiết, uống nước ấm (trà, súp) nhằm làm dịu niêm mạc đường hô hấp, vệ sinh mũi bằng nước muối, …

Tài liệu tham khảo:

  1. Uptodate (2024). Approach to chronic cough in children.
  2. CHEST Guideline and Expert Panel Report (2020). Managing Chronic Cough as a Symptom in Children and Management Algorithms.
  3. ERS (2019). Guidelines on the diagnosis and treatment of chronic cough in adults and children.
  4. Uptodate (2024). The common cold in children: Management and prevention.
  5. Analysis of the Literature on Chronic Cough in Children (2017)
  6. Marchant  JM, Newcombe  PA, Juniper  EF, Sheffield  JK, Stathis  SL, Chang  AB.  What is the burden of chronic cough for families? Chest. 2008;134(2):303-309.
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •